Tham gia hội thảo có 100 đại biểu là nông dân các xã sản xuất lúa tại các xã: Mường Bang, Tân Lang, Mường Lang, thị trấn Quang Huy, cán bộ nông nghiệp trên địa bàn huyện Phù Yên.
Để đặt những viên gạch đầu tiên trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa hữu cơ tại tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh Phía Bắc” trong giai đoạn 2019 -2021 tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên với quy mô 120 ha trong 3 năm.
    |
 |
Các đại biểu tham quan mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên |
Từ những thành công bước đầu của dự án, UBND huyện Phù Yên đã tiếp tục sử dụng các nguồn vốn ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ trên địa bàn, hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Đến nay, toàn huyện Phù Yên đã mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ lên hơn 720 ha, tập trung ở các xã Quang Huy, Gia Phù, Huy Bắc và Mường Bang. Trong đó, 130 ha lúa liên tục 5 năm đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ cải thiện chất lượng đất và môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năng suất lúa đạt bình quân 7 tấn/ha, cao hơn từ 1,5 - 2 tấn/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Giá bán lúa hữu cơ dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, gạo thành phẩm từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg tùy từng giống lúa, cao hơn 20-30% so với lúa sản xuất thông thường. Điều này giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận khoảng 8 - 12 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa, mô hình còn giúp giảm chi phí đầu vào từ 10 - 15%, đồng thời cải thiện môi trường đất và sức khỏe của người sản xuất.
Hiện nay, huyện Phù Yên cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, như sử dụng nhật ký điện tử (Farmdiary, egap), mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và cảm biến giám sát điều kiện đồng ruộng. Đây là bước tiến quan trọng nhằm minh bạch hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu giống, phân bón, chăm sóc đến tiêu thụ, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Thông qua các buổi hội thảo đầu bờ nhằm tuyên truyền, giới thiệu hiệu quả vượt trội của mô hình trồng lúa hữu cơ, vận động bà con nông dân trên địa bàn huyện Phù Yên chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đẩy mạnh một nền nông nghiệp an toàn và bền vững./.
Nguyễn Huyền Trang
Trung tâm Khuyến nông Sơn La