Trong khuôn khổ xây dựng Đề án chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT đã tổ chức Hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL: cơ hội và thách thức”. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng lao động và việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL, phân tích các cơ hội và thách thức đối với việc tham gia đào tạo, tạo việc làm, chuyển dịch lao động sang khu vực có năng suất cao hơn của phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL, từ đó đề xuất các chính sách trong việc đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững, tăng quyền cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã đề cập đến những cơ hội về việc làm cho nữ giới tại nông thôn vùng ĐBSCL. Đó là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đầu tư và lĩnh vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng; Thị trường nông sản xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu lao động, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỷ mẩn ngày càng mở rộng; Vai trò của phụ nữ ngày càng được ghi nhận; Các đề án, chương trình hỗ trợ cho lao động nữ phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề việc làm của phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và việc rút đất nông nghiệp phục vụ mục đích khác; khoa học công nghệ phát triển yêu cầu số lượng lao động ít hơn nhưng đòi hỏi trình độ cao hơn; định kiến giới vẫn còn khá sâu đậm trong cuộc sống…

Tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã cho biết về thực trạng lao động nữ cũng như kết quả triển khai trong chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương. Bà cũng đề xuất một số chính sách cho lao động nữ trong khu vực như cần có một quy hoạch tổng thể vùng theo hướng sản xuất, dịch vụ thế mạnh của địa phương; cần thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng, hỗ trợ hộ gia đình… tiếp cận với cách chính sách về nông nghiệp, dịch vụ; có giải pháp tích cực, đồng bộ quản lý dịch bệnh trong sản xuất, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, tìm đầu và quản lý tốt giá cả thị trường; cần tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cũng tại Hội thảo, chị Huỳnh Thị Kim Hoàng ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã chia sẻ câu chuyện tự tạo việc làm, thu nhập của người phụ nữ nông thôn bị khuyết tật. Không chỉ là một vận động viên với nhiều tấm huy chương từ các đại hội thể thao người khuyết tật trong nước và Đông Nam Á (Para Games), chị còn là người sáng lập thương hiệu Hafabo “Trẻ hóa từ thiên nhiên”- đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2018, tỉnh Long An. Hiện sản phẩm của chị được nhiều người tiêu dùng trong vùng biết đến và yêu thích. Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp, chị Hoàng chia sẻ nhận thức của những người xung quanh và gia đình với sự lo lắng chị bị thất bại cũng có thể trở thành rào cản. Hay như vấn đề tiếp cận nguồn vốn cũng là thách thức đối với chị. Chị cho biết cơ sở sản xuất của mình hiện có quy mô rất nhỏ nên nhiều thời điểm không có đủ hàng cung cấp ra thị trường. Thêm vào đó, sự tiếp cận thông tin của người sống nông thôn còn nhiều hạn chế.

Chị Huỳnh Thị Kim Hoàng chia sẻ câu chuyện tự tạo việc làm, thu nhập của chị

Từ những nghiên cứu, tham luận, chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Nhàn - Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường & Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT trình bày một số giải pháp. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; Tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là ở khu vực nông thôn thôn qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; Khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp cho người lao động nữ, nhất là lao động nữ nông thôn lớn tuổi. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động nữ; song song với việc giáo dục, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bình đẳng giới về lao động – việc làm cũng cần được tăng cường nhằm đạt những kết quả thiết thực.

TH