Biện pháp chủ yếu của tỉnh là chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới giáp với Campuchia và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, không để dịch bệnh phát sinh tại các trang trại tập trung và hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong tỉnh.

Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thành phố; các đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới nhanh chóng triển khai ngăn ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như: nghiêm cấm các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, lợn không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Các sở, ban, ban, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào địa bàn tỉnh; đặc biệt chú ý những vị trí thường xuyên vận chuyển lợn từ Campuchia vào tỉnh.

Đối với các địa phương giáp ranh khu vực biên giới và địa bàn có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các trang trại chăn nuôi lợn, tỉnh hướng dẫn bắt buộc các biện pháp an toàn sinh học như: thường xuyên giám sát dịch tễ, phun thuốc sát trùng người và các phương tiện ra, vào trang trại và dụng cụ chăn nuôi theo đúng quy định; lợn xuất chuồng phải có giấy kiểm dịch đầy đủ mới cho lưu thông...

Trường hợp phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật để chỉ đạo, điều hành chống dịch đạt hiệu quả.

Ông Đỗ Văn Thường, Giám đốc Chi nhánh Công ty chăn nuôi CP Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện công ty đang hợp đồng chăn nuôi gia công với nông dân trên địa bàn tỉnh gồm 52 trang trại với tổng đàn khoảng 60.000 con lợn (chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn trong tỉnh).

Để phòng ngừa bệnh tả lợn châu Phi, bảo vệ an toàn đàn lợn tại các trang trại, công ty đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học như cấp thuốc sát trùng, thường xuyên phun xịt khu vực trong, ngoài trại, dụng cụ chăn nuôi và các phương tiện ra vào trại; đồng thời nhắc nhở các chủ trang trại chăn nuôi không cho người lạ vào để diệt trừ mầm bệnh và phòng ngừa bệnh dịch có khả năng xâm nhập.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ước đạt khoảng 187.000 con; trong đó, lợn thịt 168.500 con, lợn sinh sản khoảng 18.300 con./.

Lê Đức Hoảnh

TTXVN