Ngay từ đầu thành lập khởi nguồn từ 07 thành viên, trải qua quá trình sau 3 năm thực hiện đến nay Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà tại thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà do anh Nguyễn Đăng Bằng làm Giám đốc, kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị đã phát triển lên 51 thành viên với nguồn vốn hoạt động trên 10 tỷ đồng.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về rau, củ, quả sạch hiện nay, nhất là sản phẩm rau an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng tăng, Hợp tác xã đã định hướng sản xuất và xây dựng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ thành viên. Hợp tác xã có 05 cán bộ nhân viên đang quản lý 30 ha VietGAP và hơn 250 ha đất canh tác chuyên canh rau, củ, quả. Sản lượng dự kiến đối với sản phẩm được chứng nhận VietGAP là 898 tấn/năm, hàng năm Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 600 tấn rau, củ, quả các loại. Các sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà được khách hàng đánh giá cao cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Với quyết tâm đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, Hợp tác xã đã không ngừng quảng bá thương hiệu và cung cấp rau an toàn cho nhiều bếp ăn của cơ quan, trường học, nhà hàng ở TP. HCM, Đà Nẵng, một số công ty xuất khẩu ở TP. HCM, Hà Nội đã ký hợp đồng mua bán rau, củ, quả với Hợp tác xã.

HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm

 

Anh Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Hiện nay, Hợp tác xã đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp khép kín các loại rau, củ, quả mang thương hiệu “nông nghiệp sạch - cuộc sống xanh” ra thị trường. Trước mắt Hợp tác xã liên kết với 02 công ty để phân phối và xuất khẩu sản phẩm đồng thời mở 11 điểm bán lẻ trong nước (04 điểm tại Quảng Bình, 02 điểm tại Đà Nẵng, 05 điểm tại TP. HCM). Trong thời gian tới sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường và phát triển quy mô điểm bán lẻ trong nước”.

Với lợi thế Hợp tác xã có quỹ đất lớn, nguồn cung dồi dào, đa dạng các nguồn nông sản của địa phương nên đã có các đối tác lớn đến liên kết để tiêu thụ nông sản của Hợp tác xã. Hiện, Hợp tác xã đang liên kết với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Agenas ở TP. HCM chế biến cà phê và xuất khẩu các loại củ, quả như khoai lang nhật sang Philippine; chuối Laba sang Nhật; bơ sang Dubai; thanh long, sầu riêng sang Trung Quốc; liên kết trồng và tiêu thụ khoai tây với công ty Pepsico,…

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản sạch, an toàn và chuỗi giá trị sản phẩm của mình. Ban quản trị của Hợp tác xã đã xác định khâu sản xuất là gốc để phát triển thương hiệu. Mỗi khâu của quy trình sản xuất đã được Hợp tác xã giao cho mỗi thành viên đảm nhiệm, chịu trách nhiệm đối với Hợp tác xã và người tiêu dùng, từ khâu đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… đến khâu đầu ra: kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì, quản lý tại chuỗi các cửa hàng và bán đến tay người tiêu dùng. Việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, môi trường đồng ruộng, phổ biến kiến thức đến các thành viên luôn được quan tâm và kiểm tra thường xuyên bởi ban kiểm soát của Hợp tác xã. Do vậy, chất lượng sản phẩm ổn định và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm luôn được đảm bảo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thay đổi bao bì, cách đóng hộp cho các sản phẩm để tăng tính cạnh tranh nhận diện sản phẩm. Đối với các cửa hàng, Hợp tác xã đã xây dựng chiến lược phát triển theo chuỗi cửa hàng mang thương hiệu, cách thức nhận diện cửa hàng, địa điểm đặt, con người,… đã từng bước tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Xã viên của HTX đang thu hoạch khoai lang

 

Đến nay, ngoài các thị trường có sẵn thì Hợp tác xã đã có nhiều bước tiến quan trọng, trong đó trọng tâm phát triển là thị trường trong nước. Qua khảo sát và tìm hiểu thông tin thì tổng lượng rau, củ, quả sạch cung cấp cho các tỉnh chỉ mới đạt 6%, trong khi nhu cầu thực tế tại thị trường mỗi tỉnh là 340.000 tấn/năm. Đây là cơ hội rất lớn cho việc phát triển của Hợp tác xã nhằm giải quyết đầu ra cho người nông dân, bình ổn giá cả, tránh tình trạng được mùa mất giá. Hiện nay, mặc dù lượng rau, củ, quả đưa ra thị trường trong nước còn ít, tuy nhiên công việc chuẩn bị đã đạt được nhiều kết quả như đã kết hợp và cộng tác với các công ty xuất khẩu, đây là xương sống trong việc tạo thương hiệu cho thị trường mới, dự kiến sản lượng cần cung cấp trong một ngày trên 4 tấn rau, củ, quả các loại.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn như sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thích ứng với cơ chế linh hoạt của thị trường; một số hộ nông dân tự phá vỡ hợp đồng đã ký kết để được lợi trước mắt do giá cả thị trường tăng cao. Người tiêu dùng chưa có niềm tin về các sản phẩm rau, củ, quả sạch, sản phẩm chưa được đa dạng về chủng loại và hình thức, việc xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng cần huy động nguồn vốn khá lớn…

Với những kết quả đạt được của Hợp tác tác xã trong thời gian qua, Hợp tác xã tiếp tục duy trì và hoàn thiện cơ bản chuỗi cửa hàng mang thương hiệu rau xanh, củ quả sạch tại địa phương. Thực hiện việc liên kết với các đơn vị sản xuất khác để đa dạng hoá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị cho các thành viên trong chuỗi. Tiếp tục duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP, mở rộng thêm diện tích canh tác, vận động thêm thành viên tham gia, tăng cường việc huy động nguồn vốn để mở rộng sản xuất và quy mô thị trường; chú trọng liên kết, tìm kiếm đối tác đầu tư nhất là lĩnh lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bùi Thị Hằng

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng