Để phát triển và quảng bá thương hiệu, các địa phương trong tỉnh (thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà…) cần tập trung tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý thương hiệu, quản lý chất lượng nông sản bằng các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nông sản, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất (giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất, chăm sóc, quản lý dịch hại...) đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch (các trung tâm sau thu hoạch, doanh nghiệp, cơ sở) chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá (công nghệ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ trên thị trường). Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản mục tiêu; ý thức tổ chức sản xuất, chế biến sạch, an toàn đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở, đầu mối thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” xây dựng kế hoạch và các điều kiện để chuẩn hoá sản phẩm đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát và công bố chất lượng và phân loại nông sản được gắn nhãn hiệu chứng nhận trước khi tiêu thụ…

Việc quản lý chất lượng, đưa du lịch canh nông trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam, cần xây dựng quy định quản lý và khai thác kinh doanh mô hình du lịch canh nông; đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị kinh doanh, tổ chức, hộ gia đình và du khách tham gia dịch vụ du lịch canh nông. Đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với tổ chức, cá nhân được công nhận mô hình du lịch canh nông.

Mô hình du lịch canh nông tại HTX Sunfood Đà Lạt

 

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng tiêu chí, quy chuẩn các sản phẩm nông sản được xem xét, bổ sung sử dụng thương hiệu; chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản về cơ chế chính sách, các quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển bền vững… Đặc biệt, phát triển các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo quản lý chất lượng nông sản trong quá trình sản xuất…

Với kế hoạch phát triển và quảng bá thương hiệu, trong giai đoạn 2021-2025, Lâm Đồng sẽ có khoảng 880 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2017-2020. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 1.260 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và 40 mô hình điểm du lịch canh nông. Đưa thương hiệu du lịch canh nông của Lâm Đồng trở thành thương hiệu số 1 tại Việt Nam.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng