Trước tình hình đó, với mục tiêu giúp cho bà con đang sinh sống trên đảo Cồn Cỏ áp dụng tốt kỹ thuật chế biến nước mắm cao đạm, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sản phẩm có tính đặc trưng cho huyện đảo, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông (KN) Quảng Trị đã triển khai mô hình chế biến nước mắm cao đạm, đến nay sau gần 12 tháng triển khai mô hình đã mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Vừa bước vào khu vực sản xuất nước mắm của anh Hồ Hưng (Khu dân cư mới huyện đảo Cồn Cỏ), chúng tôi đã ngửi thấy mùi nước nắm thơm ngào ngạt từ những chiếc bể loại lớn trong khoảng sân rộng như ngầm kiểm chứng cho chất lượng nước mắm ngon.

Trao cho chúng tôi xem những chai nước mắm trong veo, màu cánh gián tươi rói và có hương vị ngọt đậm của cốt cá, anh Hưng chia sẻ: Gia đình anh trước đây ở tại thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch - huyện Vĩnh Linh), ra đảo lập nghiệp được hơn 1 năm nay. Sau khi ra đảo, nhận thấy ở đây có nguồn cá cơm dồi dào, sản lượng đánh bắt lớn, chính là nguồn nguyên liệu, thuận lợi cho việc chế biến nước mắm. Vì vậy anh đã cùng với gia đình anh Hồ Minh Cẩn mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình nước mắm cao đạm do Trung tâm KN tỉnh triển khai.

Theo anh Hưng, thôn Vịnh Mốc có nghề chế biến nước mắm từ lâu, tuy nhiên từ trước đến nay hầu hết đều chỉ chế biến nước mắm theo cách truyền thống, quy mô nhỏ bằng các chum vại, thùng nhựa. Sau khi được Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất nước mắm cao đạm anh đã mạnh dạn xây dựng bể chứa bằng bê tông có thể tích hơn 1 m3, có lỗ lù để kéo rút, náo đảo phần nước. Anh đặt mua 2,7 tấn cá nục và cá cơm tươi từ các tàu khai thác xa bờ, cùng với 4,5 tạ muối ăn để tiến hành muối chượp và cho vào 6 bể chứa.

“So với cách làm truyền thống thì sản xuất nước mắm theo phương pháp này nước mắm có độ đạm cao hơn, có mùi thơm đặc trưng, có vị hậu rõ, màu vàng đậm và lâu mất màu, nước mắm trong, không vẩn đục”, anh Hưng cho hay.

Kéo rút nước mắm để đưa vào đóng chai

Theo đánh giá của các hộ thực hiện mô hình, khi sản xuất theo mô hình nước mắm cao đạm này đã giảm được thời gian ủ, nước mắm có chất lượng và độ đạm cao hơn so với sản xuất truyền thống. Cụ thể là thời gian chượp chín được rút ngắn còn 8 – 12 tháng so với phương pháp truyền thống là hơn 15 tháng. Độ đạm trên 22%. Lượng nước mắm kéo rút tăng hơn khoảng 15%. Đồng thời sản phẩm làm ra đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Hưng nhẩm tính, với 6 bể chượp này anh dự kiến thu được khoảng 800 – 1.100 lít nước mắm cốt. Với giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/lít thì sau khi trừ chi phí anh thu lãi ít nhất từ 20 triệu đồng trở lên.

Kỹ sư Nguyễn Thăng Long – Cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: Để làm ra những chai nước mắm chất lượng cao không phải dễ, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải rất nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, cá nục và cá cơm tươi được mua từ tàu ngay khi vừa mới cập bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều với muối sạch nhưng phải là muối để lâu năm nhằm giảm vị chát đắng. Cá được muối theo đúng tỷ lệ 5 cá : 1 muối rồi cho vào bể chứa, sau đó tiến hành gài nén, chèn vật nặng lên làm cho cá chìm xuống. Thường thì cá được muối trong vòng 8 tháng đến một năm mới thành chượp. Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, đảm bảo phơi nắng đều, náo đảo để nước mắm lên men tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng phụ gia. Cuối cùng là khâu rút nước mắm được tiến hành vào ban đêm hoặc sáng sớm để đảm bảo vệ sinh và độ tinh khiết.

Anh Long còn cho biết, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay từ khi muối cá và sau khi chượp chín, cán bộ kỹ thuật đều lấy mẫu ngẫu nhiên gửi đến Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm Thừa Thiên Huế để kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng. Kết quả kiểm tra các mẫu đều đạt các chỉ tiêu chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng (asen, chì, cadmi, thủy ngân, cyanua) và các chỉ tiêu hóa học, hóa lý, vi sinh vật trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT).

“Điểm thuận lợi khi triển khai mô hình này là con cá nục, cá cơm được muối ở thời điểm còn tươi, ngay khi vừa đánh bắt vào chứ không qua tay thương lái hay vận chuyển đi xa. Chính vì vậy nên nước mắm làm ra có màu sắc nâu đậm hoàn toàn tự nhiên, không có tạp chất, có mùi thơm đặc trưng của mắm, không có mùi lạ, có vị mặn nhưng không gắt, vị ngọt hậu của đạm tự nhiên. Với lượng đạm từ 40 độ ni-tơ trở lên rất có lợi cho sức khỏe, nhất là với người già và trẻ em”, anh Long chia sẻ.

Ông Lê Minh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ đánh giá rất cao mô hình chế biến nước mắm cao đạm do Trung tâm KN tỉnh triển khai. Trong điều kiện cuộc sống người dân huyện đảo đang còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai thành công mô hình đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tạo ra sản phẩm có tính đặc trưng cho bà con trên vùng biển đảo.

Theo ông Tuấn, với mục tiêu xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch hấp dẫn thì bên cạnh những lợi thế như làn nước biển trong xanh và những bãi tắm trải dài thơ mộng. Cồn Cỏ còn đang phát huy những lợi thế về sản vật đặc trưng của đảo như giảo cổ lam, cá khô… đặc biệt là tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú và phương thức làm mắm truyền thống mang đậm hương vị đặc trưng và mặn mòi của biển cả.

 “Chúng tôi mong muốn khách du lịch khi đến với huyện đảo không chỉ ấn tượng trước vẻ đẹp của biển, sự thân thiện của con người cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản của huyện đảo thì khi ra về mỗi người còn có một ít sản vật đặc trưng của huyện đảo mang về làm quà cho gia đình và người thân. Trong đó thương hiệu nước mắm Cồn Cỏ là một trong những sản phẩm mà chúng tôi hướng đến”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thục Quyên