Ngày Tết - khu chợ hoa, cây cảnh thường nhộn nhịp hơn những gian hàng khác vì hoa vốn được nhiều người yêu thích trong cuộc sống ngày thường lại không thể thiếu khi đón xuân sang. Khách hàng đến với chợ hoa ngày tết không chỉ chọn một vài chậu cúc, hồng… trang điểm cho nhà cửa trong dịp đầu năm mới mà còn để ngắm “ngàn hoa khoe sắc”. Nhưng mấy ai nghĩ đến những người đã âm thầm lao động từ nhiều tháng trước, để đem lại cho đời vẻ đẹp của thiên nhiên.

Xuân Tân Sửu 2021 mời bạn đến với làng trồng hoa, cây cảnh An Lạc. Làng hoa, cây cảnh An Lạc (phường Đông Giang, Đông Hà), nằm bên dòng sông Hiếu. Hằng năm, dòng sông Hiếu đã tạo nguồn phù sa bồi đắp cho các làng mạc, đồng ruộng, đồng hoa, để rồi mỗi độ đất trời chớm xuân, hoa vẫn ươm nụ, nét cười vẫn rạng ngời trên môi người dân nơi này.

Từ xa xưa, An Lạc là vùng nông thôn, người dân còn có nghề làm ruộng, vườn như trồng sắn, trồng khoai, hoa, cây cảnh. Hiện tại An Lạc đã là đô thị, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã được cải thiện; nhiều giá trị văn hóa và ngành nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy, trong đó có nghề trồng hoa cây cảnh.

Nghề trồng hoa, cây cảnh ở làng An Lạc có từ rất lâu. Lúc đầu chỉ có ít hộ trồng hoa cây cảnh để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân vào dịp tết cổ truyền, sản phẩm tiêu thụ tại địa phương là chính. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng hoa và cây cảnh của người dân tăng lên, thu nhập từ nghề trồng hoa cũng cao hơn, do vậy nghề trồng hoa nơi đây phát triển rất nhanh. Sản phẩm chủ yếu là cúc, tuylíp, ly, đồng tiền, dạ yến thảo, vạn thọ, hồng, hoa pháo... cùng một số cây cảnh (bonsai) như sung, mai vàng, lộc vừng, sanh, bồ đề…

Người dân An Lạc chuẩn bị cho vụ hoa Tết

 

Anh Hoàng Hữu Khiêm, Tổ trưởng Tổ trồng hoa An Lạc cho biết, từ năm 2019, làng hoa An Lạc được UBND TP Đông Hà đầu tư 1,2 tỷ xây dựng trại ươm giống hoa, với tổng diện tích gần 500m2. Đây là mô hình sản xuất giống hoa khép kín, có mái che, giàn tưới, giàn phun... bình quân mỗi năm sản xuất và cung ứng khoảng 500-600 nghìn cây giống hoa cúc các loại, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cây giống cho bà con trồng hoa trong toàn HTX.

Năm nay, ngoài những hộ trồng hoa tập trung tại HTX, gần như nhà nào cũng dành một khoảng đất trồng cây ăn trái, rau xanh các loại, xen lẫn với trồng hoa để góp mặt với chợ hoa ngày tết. Trong một vài góc sân nhỏ, bạn còn có thể thưởng thức những chậu cây cảnh được uốn nắn công phu.

Nói đến cây cảnh thì ông Hoàng Kim Cường là người có kinh nghiệm và sẵn sàng trò chuyện suốt ngày bên ấm trà để nói về thú tiêu khiển của người xưa trong nghệ thuật chơi cây. Hiện nay ở An Lạc cũng đã xuất hiện nhiều người trồng cây cảnh để kinh doanh và nghệ thuật tạo dáng cũng đa dạng hơn. Mặc dù nghệ nhân thời nay không tuân theo những nguyên tác “nhất hình, nhì dáng, tam chi, tứ diệp” nhưng vẫn không kém phần ngoạn mục.

Có trò chuyện với người sản xuất mới biết được “nghề chơi cũng lắm công phu”. Để những luống hoa khoe sắc đúng dịp tết thì người trồng hoa phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, ươm giống cho đến theo dõi tình hình thời tiết để chủ động cho hoa nở đúng thời điểm. Ngoài ra, còn phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ tích cực và kịp thời.

Những cơn bão, vừa qua làng hoa An Lạc tiêu điều, xác xơ; nhà cửa, vườn tược tan hoang, những vườn hoa xanh non đang kỳ sinh trưởng bị chà xát, vặn xoắn gãy đổ la liệt… Những tưởng làng hoa và người trồng hoa vùng tâm bão kiệt quệ, khó gượng dậy nổi!.. Vậy mà hơn 2 tháng sau, làng hoa hầu như không còn dấu tích của các trận bão, lũ. Trên từng ngõ xóm, mảnh vườn, cúc đang bắt đầu bung nụ, từng hàng nối nhau miên man, vàng rực.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân phường Đông Giang, năm nay, làng hoa An Lạc có 20 hộ tham gia trồng hoa trong chậu tập trung, cung ứng cho thị trường trên 38.000 chậu hoa các loại, dự kiến đạt tổng doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng.

Qua thực tế cho thấy,  hiệu quả kinh tế trồng hoa cao hơn nhiều so với nhiều ngành nghề khác. Kinh tế phát triển, diện mạo An Lạc đã đổi thay nhiều, nhà cửa người dân khang trang đầy đủ tiện nghi hơn; hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, thuận lợi cho việc đi lại của các phương tiện cơ giới; hệ thống điện chiếu sáng, nước máy máy, internet, các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của người dân phong phú.

Đất đai thổ nhưỡng ở An Lạc thích hợp với việc trồng hoa, thuận lợi cho tưới tiêu từ nguồn sông Hiếu và người dân đã không bỏ qua những ưu đãi mà thiên nhiên, đất trời đã dành cho nơi này.

Hòa cùng nhịp hối hả của những ngày cuối năm, dạo qua làng hoa, cây cảnh, An Lạc để cảm nhận được mùa xuân đang đến rất gần. Những người trồng hoa cũng tràn đầy hy vọng hoa và cây cảnh sẽ mang lại một cái tết no ấm, đủ đầy, hạnh phúc. Lại nhớ câu Lê Quý Đôn ghi lại trong Ô Châu cận lục mấy trăm năm trước: “An Lạc vui hưởng ơn phước Thái Bình” (Ô Châu Cận lục, Dương Văn An, Hiệu đính - Dịch chú: Trần Đại Vinh, trang 81).

Nguyễn Văn Thanh