Đặc biệt năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã hỗ trợ 80 triệu đồng, cung cấp trên 242 nghìn tem điện tử thông minh sử dụng mã QR code để phát cho 4 cơ sở, gồm: Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam (TP .Tuyên Quang), Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, Hợp tác xã chè Tân Thái 168 (huyện Hàm Yên), Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Sử Anh (huyện Yên Sơn). Đến nay, đã tuyên truyền, vận động được 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng dán tem điện tử thông minh sử dụng mã QR code trên các sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, như: cam sành Hàm Yên, chè Tân Thái 168, chè Làng Bát, cá lăng Na Hang, nhãn Thái Bình, vịt bầu Minh Hương...

Sản phẩm chè Làng Bát, mật ong Phong Thổ đã được dán tem điện tử thông minh sử dụng mã QR code

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Sử Anh (huyện Yên Sơn) cho biết, trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 10 tấn chè khô. Hợp tác xã tập trung vào dòng chè cao cấp Ngọc Thúy, với giá bán phân loại 250 nghìn đồng/kg và loại cao cấp hơn 1 triệu đồng/hộp, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Năm 2017, đơn vị được hỗ trợ hơn 30 nghìn tem điện tử để xác định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc không chỉ có tác động hỗ trợ người tiêu dùng, mà còn nâng cao ý thức của người sản xuất, vì toàn bộ thông tin của nhà sản xuất sẽ được công khai, nếu sản phẩm không đạt chất lượng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để phản hồi./.

Nguyễn Văn Thuấn

Chi cục Quản lý chất lượng NLS và TS Tuyên Quang