Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức 04 lớp đào tạo với nội dung: “Sản xuất lúa giống và thương phẩm” (03 lớp), “Sản xuất khoai tây giống và thương phẩm” (01 lớp) tại huyện Kiến Xương và Tiền Hải. Số người được đào tạo: 140 người (35 người/1 lớp), thời gian đào tạo 2,5 tháng/1 lớp. Công tác tuyển sinh được Trung tâm KN Thái Bình tổ chức chặt chẽ, đối tượng học viên được lựa chọn từ các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương. Giáo viên giảng dạy các lớp đã được phân công và dự kiến kế hoạch ngay từ đầu, đảm bảo đủ 2 - 3 giáo viên phụ trách 01 lớp. Chương trình đào tạo cụ thể, có lịch trình, giáo trình, giáo án đầy đủ, kết hợp học lý thuyết với thực hành, bám sát thực tế từng địa phương.

Để kiểm tra công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại tỉnh Thái Bình do Trung tâm Khuyến nông thực hiện, ngày 1/12/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tham gia Đoàn kiểm tra của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT. Tham dự đoàn có bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục kinh tế Hợp tác và PTNT, bà Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Xuân Dương - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Bình.

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trung tâm KNQG cùng các học viên lớp “Sản xuất khoai tây giống và thương phẩm” thăm ruộng thực hành tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Trường. 

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo Trung tâm KN Thái Bình về hiệu quả các lớp đào tạo nghề do đơn vị triển khai, những thuận lợi, khó khăn trong công tác đào tạo, thực hiện mô hình khuyến nông tại địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến đánh giá cao định hướng công tác đào tạo nghề của Trung tâm KN, với nhiều hoạt động đa dạng, bám sát nhu cầu thực tế địa phương. Đặc biệt, Trung tâm KN Thái Bình là một trong những điểm đứng đầu cả nước cũng như hệ thống khuyến nông về công tác thực hiện và ứng dụng công nghệ cao bằng giàn khí canh trong trồng trọt.

Bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh, thế mạnh trong công tác đào tạo nghề của khuyến nông là “cầm tay chỉ việc”. Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông đã tích cực tham gia hoạt động đào tạo nghề. Thái Bình là một trong những tỉnh có có tiềm năng, và nhu cầu đào tạo nghề lớn, do vậy cần tăng cường thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn hơn nữa để Khuyến nông Thái Bình tham gia trình diễn và chuyển giao được nhiều mô hình, đạt hiệu quả cao, xứng đáng là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, điểm đến thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, đào tạo nghề của các đơn vị trong hệ thống.

Ông Nguyễn Xuân Dương - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình cho biết, nền nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình rất sôi động do vậy công tác đào tạo nghề cho người nông dân được đặc biệt quan tâm. Để góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Thái Bình xác định người được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp phải làm được nghề mình học và ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất. Ông mong muốn các cơ quan quản lý quan tâm hơn để Trung tâm KN Thái Bình mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gắn với liên kết chuỗi.   

Đoàn kiểm tra đã thăm mô hình nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại phòng nuôi cấy mô và khu công nghệ cao đặt tại vườn công nghệ của Trung tâm KN Thái Bình. Đây là một trong những tiến bộ kỹ thuật mới về công nghệ để tạo được các củ giống, cây con sạch bệnh được Trung tâm thực hiện thành công, hiệu quả trong nhiều năm qua.

Đoàn kiểm tra thăm khu sản xuất củ giống khoai tây siêu nguyên chủng đặt tại vườn công nghệ của Trung tâm KN Thái Bình

Đoàn kiểm tra đã đi thăm và đánh giá điểm triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm KN Thái Bình thực hiện trong năm 2017. Tại xã Vân Trường, huyện Tiền Hải đoàn đã tham dự lớp đào tạo nghề “Sản xuất khoai tây giống và thương phẩm” cho bà con nông dân trong toàn xã. Đây là 1/16 lớp đào tạo nghề được Trung tâm triển khai trong năm 2017 nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu lao động nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân địa phương.

Chị Bùi Thị Vin, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải - học viên tham gia lớp học cho biết: “Hằng năm, gia đình tôi có trồng 3 sào khoai tây (sào Bắc bộ), được tham gia lớp học đã giúp tôi có thêm kiến thức về kỹ thuật lựa chọn giống khoai tây sạch bệnh, biết cách chăm sóc và lựa chọn phân bón tốt, hiệu quả”.

Ông Nguyễn Quang Mạnh - học viên lớp học chia sẻ: “Tham gia lớp học chúng tôi được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp thông qua nghe giảng, thuyết trình trên lớp, và trao đổi kinh nghiệm ngay trên đồng ruộng về cách chọn đất, bổ củ giống, bón phân, phát hiện sâu bệnh và các biện pháp phòng, trừ. Từ đó, chúng tôi áp dụng vào thực tế sản xuất và tuyên truyền đến nhiều hộ gia đình, bà con trong thôn, xóm học tập và làm theo”.

Đại diện học viên phát biểu ý kiến tại lớp đào tạo nghề “Sản xuất khoai tây giống và thương phẩm”. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động ở địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, trong thời gian tới Trung tâm KN Thái Bình sẽ nỗ lực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm từng bước nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, xứng đáng là điểm sáng về công tác đào tạo nghề trong hệ thống khuyến nông cả nước.

Hải Đường