Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đã triển khai Dự án Khuyến nông Trung ương “Ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh ĐBSCL”. Dự án đã hỗ trợ đầu tư 50% giá trị của 02 bộ thiết bị máy cấy (gồm máy gieo hạt, máy cấy và hệ thống khay) cho nhóm hộ nông dân làm dịch vụ tại huyện Châu Phú và thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng mạ khay để cấy lúa bằng máy với tổng diện tích 100 ha tại 3 huyện Châu Thành, Thoại Sơn và Tri Tôn trong vụ Thu Đông 2020 và Đông Xuân 2020 - 2021.

Nông dân tham gia mô hình trình diễn cấy máy được hỗ trợ 50% lượng giống gieo sạ, tương ứng 25 kg giống/ha, giống lúa được nông dân sử dụng là DS1, Jasmine 85, cấp giống xác nhận. Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, thường xuyên cùng nông dân thăm đồng và hướng dẫn, nhắc nhở nông dân ứng dụng đúng quy trình kỹ thuật.

Qua thời gian triển khai, cuối vụ Thu Đông 2020 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông An Giang cùng với Trạm Khuyến nông Châu Thành đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm cho những lần triển khai tiếp theo. Tham dự hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan thực tế ruộng mô hình của hai hộ nông dân Dương Chí Hiếu và Trần Chí Sơn tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành.

Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành

 

Tại điểm tham quan, anh Trần Chí Sơn cho biết: 'Tôi áp dụng cấy máy vụ Thu Đông vừa qua trên diện tích 10 ha. Qua thời gian thực hiện nhận thấy, lúa bén rễ nhanh, nở bụi nhiều hơn và đặt biệt là dễ chăm sóc". Anh Sơn cũng chia sẻ, lúa cấy máy cho năng suất lúa cao hơn so với phương pháp cấy lúa thông thường nên lợi nhuận cũng cao hơn.

Anh Dương Chí Hiếu cũng báo cáo kết quả thực hiện mô hình như sau: Trên diện tích 8 ha lúa thực hiện cấy máy, chi phí cấy cho mỗi héc-ta khoảng 4,3 triệu; trong khi cấy theo phương pháp truyền thống tốn từ 5,0 - 5,3 triệu/ha, có lúc nhân công cấy tập trung không đủ số lượng. Như vậy, mỗi héc ta lúa cấy máy, người nông dân tiết kiệm được từ 700 nghìn - 1 triệu đồng/ha so với phương pháp cấy thủ công. Mặt khác, cấy máy cho năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng nên thuận lợi tiêu thụ với giá cao.

Đông đảo các nông dân tham dự hội nghị đánh giá cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, đặt biệt là việc áp dụng cấy máy. Nhiều nông dân quan tâm tìm hiểu những vấn đề như ảnh hưởng của việc áp dụng cấy máy đến thời gian sinh trưởng của cây lúa, thời gian khâu làm mạ của giống ngắn ngày và dài ngày, giá cả và tính năng của máy cấy lúa… Tất cả câu hỏi của nông dân tại hội thảo đều được cán bộ khuyến nông trả lời thỏa đáng.

Những lời ích của việc cấy lúa bằng máy đã được bà con tham quan mô hình đánh giá cao

 

Bà Huỳnh Đào Nguyên - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông An Giang đánh giá, việc thực hiện dự án đã giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, đặc biệt là ứng dụng máy cấy vào sản xuất. Kết quả của dự án sẽ giúp nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác lúa , hướng đến giảm tác hại đến môi trường, sức khỏe cho con người và góp phần nâng cao mức sống cho nông dân. Năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp hỗ trợ 50% lượng giống làm mô hình cũng như hỗ trợ đầu tư máy cấy cho các hộ nông dân có nhu cầu áp dụng trên ruộng lúa mình hoặc làm dịch vụ kinh doanh./.

Trang Nghiêm

Trung tâm Khuyến nông An Giang