Mục tiêu của mô hình là đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tại địa phương, làm phong phú thêm chủng loại rau xanh trên địa bàn huyện, tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, tận dụng ưu thế về khí hậu để sản xuất rau trái vụ và tận dụng chất thải, phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi ủ phân phân hữu cơ bón cho rau.

Ý Tý là xã đầu tiên thực hiện thử nghiệm trồng trong tháng 6/2021 với quy mô 1.000 m2. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ diện tích này đã thu hoạch xong, năng suất trung bình đạt 1.200 kg/1.000m2, giá bán tại vườn là 17.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận trung bình khoảng 12- 13 triệu đồng/1.000m2. Nhận thấy hiệu quả mang lại khá cao, sau khi thu hoạch xong nhân dân Y Tý đã tiếp tục xuống giống vụ tiếp theo. Trong khi đó, tại xã Trịnh Tường bà con đang cho thu hoạch củ dền đỏ; tại các xã còn lại, cây đang giai đoạn phát triển thân lá.

Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch củ dền đỏ là 70 ngày

 

Kết quả theo dõi cho thấy thời gian từ trồng đến thu hoạch của củ dền đỏ là 70 ngày. Cây có khả năng sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, tuy nhiên để cây sinh trưởng nhanh, củ đồng đều, trọng lượng đạt 200 – 300 gam/củ thì phải xử lý đất thật kỹ trước khi trồng bằng vôi bột, nấm đối kháng Trichoderma, bón phân hữu cơ hoai mục để đất tơi xốp, giàu mùn. Trong suốt quá trình trồng, phải đảm bảo cung cấp đủ nước tưới để tạo mẫu mã củ đẹp, không bị nứt, vỏ củ sáng bóng, tuy nhiên cũng không được để cây bị úng, đảm bảo thoát nước tốt khi mưa.

Thành công từ mô hình trồng củ dền cho thấy, cây củ dền đỏ có thể phát triển thành vùng hàng hóa tại các xã vùng cao của huyện Bát Xát. Thời gian trồng trái vụ từ tháng 5- 6 đến tháng 8 hàng năm để tăng hiệu quả kinh tế và phát huy được thế mạnh của vùng khí hậu ôn đới. Riêng với các xã vùng thấp có thể trồng từ tháng 9 để tập trung thu hoạch trong tháng 11, sau đó tiếp tục trồng các loại rau màu khác./.

Các xã vùng cao của huyện Bát Xát có thể phát triển trồng củ dền đỏ thành vùng hàng hóa

Kim Hoa

Trung tâm DVNN Bát Xát, Lào Cai