Mô hình thực hiện trên diện tích 56 ha (liền vùng, liền thửa) của 103 hộ dân của thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu theo quy trình 1 phải 5 giảm, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo IPM.

Kết quả sau hơn 3 tháng thực hiện (từ ngày 03/6/2017), mô hình CĐL đã làm thay đổi được tập quán của bà con nông dân: Nông dân từ gieo sạ dày 200-250 kg/ha, nay giảm xuống còn 150-200 kg/ha; Gieo tập trung đồng loạt, sử dụng một loại giống lúa TH41 nguyên chủng; Áp dụng đồng bộ 1 quy trình, ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm để nâng cao năng suất. Mô hình đã tạo ra được lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng đồng nhất, từ đó tăng lợi nhuận, làm cơ sở hoàn thiện vùng sản xuất lúa giống để liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Tham quan mô hình cánh đồng lớn

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thực hiện mô hình CĐL sản xuất giống, có một số hộ chưa tuân thủ quy trình canh tác, nhất là việc khử lúa lẫn nên chất lượng hạt lúa giống chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của Công ty Giống cây trồng Nha Hố.

Kết quả mô hình CĐL của xã Phước Hậu bước đầu đã mang lại hiệu quả  thiết thực cho bà con nông dân. Trong thời gian tới, UBND huyện Ninh Phước sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp để nhân rộng CĐL trên địa bàn các xã có vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô trên 600 ha.

Trên cơ sở đó để tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động bà con nông dân dồn điền đổi thửa, hướng đến xây dựng những CĐL, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình CĐL, gắn với doanh nghiệp nhằm được mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi tích cực, lâu dài để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp mang tính bền vững, tiến tới hình thành một nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Nguyễn Thị Cơ

Trung tâm Khuyến nôngNinh Thuận