Ngoài các loại cây ăn trái tiềm năng, có giá trị kinh tế cao được trồng quy mô tập trung, như nhãn, mãng cầu (ta), bưởi, sầu riêng, xoài, chuối… thì trong những năm gần đây, hoa lan cũng đang được đánh giá có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, tổng diện tích trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh khoảng 187 ha, trong đó Trảng Bàng là huyện có diện tích trồng lan nhiều nhất (145,8 ha), kế đến là Tân Châu (gần 24 ha). Bên cạnh các loại hoa lan đã được trồng phổ biến như Dendrobium, Mokara, Hồ điệp… thì lan Ngọc điểm đang được quan tâm vì tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

Hiện, khu vực có diện tích trồng lan Ngọc điểm lớn nhất tại Tây Ninh là xã Tân Hà, huyện Tân Châu, với 40 hộ dân trồng, trên diện tích hơn 8 ha. Trồng lan Ngọc điểm yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, bình quân 1.000 m2 tốn khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, lợi nhuận thu về khoảng 1 tỷ đồng/1.000 m2. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của lan Ngọc điểm ở miền Bắc và bán dưới dạng cây giống. Theo các nhà vườn, giá cây giống mua về hiện nay tương đối cao, khoảng 350.000 đồng/kg, loại 20 – 21 cây/kg, 500.000 đồng/kg với loại 3 – 5 cây/kg.

Ông Lê Duy Hạnh, một nông dân trồng lan Ngọc điểm ở ấp Tân Trung, xã Tân Hà cho biết, ông trồng lan Ngọc điểm đến nay khoảng 15 năm. Ban đầu, ông chỉ trồng vài chục chậu để chơi. Sau đó, thấy lan Ngọc điểm dễ trồng, dễ cho hoa, thường ra hoa đúng dịp Tết và rất dễ bán nên ông quyết định mở rộng quy mô. Hiện nay, vườn lan Ngọc điểm của gia đình ông có diện tích khoảng 10.000 m2, bình quân khoảng 2 năm ông thu hoạch 1 lần, sau khi trừ hết chi phí, ông thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/1.000 m2.

Lan Ngọc điểm dễ trồng, thường ra hoa đúng dịp Tết nên bán được giá

Hiện có hai loại lan Ngọc điểm là lan Ngọc điểm rừng và lan Ngọc điểm lai tạo (có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc Đài Loan, do được lai tạo nên có nhiều màu sắc hơn), tuy nhiên, Ngọc điểm rừng vẫn được ưa chuộng hơn hẳn. Khó khăn của nông dân hiện nay là vốn đầu tư trồng lan Ngọc điểm cao và nguồn cây giống khan hiếm. Để giảm chi phí đầu tư và chủ động được nguồn giống, nông dân nên nhân giống bằng cách gieo hạt; từ khi gieo hạt đến lúc xuất bán cây lan mất khoảng 3 năm rưỡi.

Nhìn chung các mô hình trồng hoa lan tại Tây Ninh còn mang tính tự phát, kiến thức sản xuất hoa lan chủ yếu tự nghiên cứu và qua học hỏi, trao đổi lẫn nhau giữa các người trồng. Để trồng lan đạt hiệu quả, người trồng cần ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăm sóc và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Đề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh, hoa lan, cây cảnh là một trong những cây trồng được định hướng phát triển. Hiện nay, tỉnh chưa có định mức hỗ trợ đầu tư cho mô hình trồng lan nói chung và lan Ngọc điểm nói riêng. Theo kế hoạch, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành một số định mức cây trồng mới nhằm hỗ trợ phát triển cho bà con nông dân, trong đó dự kiến có cây lan.

Trần Thế Minh

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh