Chứng nhận bảo vệ rừng FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng, đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, người dân địa phương và xã hội).

Các doanh nghiệp, cá nhân khi tổ chức tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC được tập huấn nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, hộ gia đình; biết cách lựa chọn và sử dụng giống cây trồng tốt; áp dụng quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng... Từ đó nâng cao giá trị rừng trồng, bước đầu giúp người trồng rừng thuận tiện trong quản lý, canh tác, khai thác các sản phẩm từ rừng và phục vụ xuất khẩu lâm sản.

Năm 2015, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Woodsland Việt Nam mời các chuyên gia Quỹ Phát triển rừng Quốc tế hỗ trợ làm chứng chỉ rừng FSC và đã có 11.642 ha rừng FSC đầu tiên nằm ở các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý và một số nhóm hộ tại huyện Yên Sơn. Đến nay, sau 3 năm thực hiện đã có 19.787,27 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, phong trào trồng rừng phát triển kinh tế ở các địa phương chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức và phương pháp kinh doanh rừng FSC để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, các hộ trồng rừng đã chuyển sang phát triển rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Chuyên gia của Quỹ phát triển rừng Quốc tế đang khảo sát, đánh giá rừng tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn

Theo ông Nịnh Văn Lìn, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn: Gia đình ông có 25 ha rừng trồng đang áp dụng các tiêu chuẩn FSC, ngoài mục đích nâng cao giá trị cho gỗ rừng trồng, những hộ trồng rừng như gia đình ông còn được cán bộ kiểm lâm tập huấn, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ rừng bền vững đối với cộng đồng, môi trường. Ông Lìn kể rành mạch 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu của FSC đánh giá về rừng sản xuất mà ông và các hộ trồng rừng của xã Tiến Bộ được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn và đang thực hiện rất nghiêm túc, với một số nội dung chính như: Làm rừng không được đốt thực bì trước khi trồng để bảo đảm thiên địch có lợi; không sử dụng hóa chất khi chăm sóc rừng; không vứt rác bừa bãi, không chăn thả gia súc trong rừng; khi khai thác tuân thủ theo nguyên tắc có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối không đốn chặt bừa bãi, ồ ạt theo kiểu tận thu; đảm bảo an toàn lao động trong quá trình khai thác và tuyệt đối không khai thác trắng rừng tránh tác động xấu khi thiên tai xảy ra…

Do thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn, gần 1.500 ha rừng của gia đình ông Lìn và 688 hộ dân trong xã Tiến Bộ đã được các chuyên gia FSC kiểm tra, thẩm định và cấp chứng chỉ theo đúng kế hoạch.  Năm 2017, 13 ha rừng đầu tiên được cấp chứng chỉ FSC của gia đình ông Lìn đến tuổi cho thu hoạch (10 năm tuổi), mỗi ha gia đình ông thu được 240 - 250 m3 gỗ, với giá bán 1.100.000 đồng/m3 (cao hơn giá gỗ không có chứng chỉ FSC 10%), cho thu từ 250 - 260 triệu đồng, tăng cao hơn so với trồng rừng thông thường 25 triệu đồng/ha.

Ông Ma Đình Sắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết: Xã Hùng Mỹ hiện đã có 184,02 ha của 44 hộ gia đình trên địa bàn được cấp chứng chỉ FSC cho rừng. Để việc cấp chứng chỉ rừng thành công, xã đã thành lập các tổ nhóm, trong đó các thành viên vừa cùng thực hiện, vừa tự giám sát lẫn nhau trong việc áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, sao cho hoàn thành 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu của bộ tiêu chí đề ra.

Ông Nông Văn Lang, thôn Ngầu 1, nhóm trưởng nhóm hộ thuộc các thôn Ngầu 1, Ngầu 2, Rõm, Khun Thắng ở xã Hùng Mỹ chia sẻ, nhóm ông có 11 hộ đăng ký và đã được cấp chứng chỉ FSC với diện tích 38,2 ha. Việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC giúp những người trồng rừng như ông tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, cách thức canh tác mới, xóa bỏ hẳn tình trạng trồng tự phát như trước đây, vì toàn bộ các khâu từ giống, sử dụng phân bón đến bao tiêu sản phẩm đều có hợp đồng rõ ràng. Bà con trong thôn không ai bảo ai, mọi người tự giác thu gom rác thải trong sản xuất, vệ sinh rừng đảm bảo tiêu chuẩn xanh - sạch - an toàn để bảo vệ rừng.

Bà Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trong quá trình triển khai, cán bộ kiểm lâm tỉnh, kiểm lâm địa bàn phải bám sát, hướng dẫn các hộ trồng rừng thực hiện vệ sinh rừng trồng, thu gom các túi bầu cây giống và bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý; đối với diện tích rừng ven suối, chừa lại một khoảng không trồng cây để lấy chỗ cho các sinh vật khác sinh sống nơi bờ nước; tuyệt đối không thực hiện việc đốt thực bì sau khai thác và chuẩn bị đất trồng rừng… Trong đó, nhóm chỉ tiêu liên quan môi trường rừng và phục hồi rừng tự nhiên được đặc biệt coi trọng.

Hiện nay, ngoài Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang, đã có một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu như Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư và cam kết bao tiêu gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC cho người dân, với giá thu mua cao hơn giá thị trường 10%.

 Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, mỗi năm, Tuyên Quang phấn đấu có thêm từ 3.000 - 4.000 ha được cấp mới chứng chỉ FSC. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng giá trị đóng góp của ngành trong cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản hằng năm./.

Trần Thị Thường

TT Khuyến nông Tuyên Quang