Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu là các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống gia súc 06 tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Yên Bái.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Đây là dự án có địa bàn triển khai trên nhiều vùng từ miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với 2 nội dung chuyên đề khác nhau. Mặc dù khối lượng công việc lớn, địa bàn triển khai rộng nhưng đến nay dự án đã đạt được kết quả theo tiến độ và yêu cầu đề ra; cụ thể dự án đã xây dựng được 10 mô hình với 20 điểm trình diễn, quy mô 1.016 con bò cái được cải tạo và 1.025 con bò được vỗ béo, triển khai trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai.

Dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đàn bò tại các vùng chăn nuôi chính, qua đó chuyển hướng từ chăn nuôi bò theo phương thức truyền thống sang bán thâm canh và thâm canh, tạo sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nông hộ. Ngoài kết quả và hiệu quả đạt được thì dự án cũng gặp những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, vì vậy thông qua hội nghị sơ kết để các đơn vị, địa phương và các hộ chăn nuôi tham gia mô hình nêu lên những thực trạng cần giải quyết, khắc phục, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm triển khai để nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Báo cáo tóm tắt kết quả tại Hội nghị, dự án đã sơ bộ đánh giá hiệu quả bước đầu như sau: Với mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, quy mô 1.016 bò được thụ tinh nhân tạo, ước tính đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019 sẽ cho ra đời khoảng 1.016 con bê lai. Mỗi bò lai 1 tuổi có giá bán cao hơn bò nội khoảng 6 - 6,5 triệu đồng/con, đặc biệt bò BBB có giá trị cao hơn bò nội, từ 12- 13 triệu đồng/con cùng thời điểm. Với mô hình bò vỗ béo: Sau 3 tháng vỗ béo, bò tăng trọng nhanh, bình quân đạt 731,1 g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 31,1 g/con/ngày (tương ứng 4,4%), iệu quả kinh tế tăng lên 12 - 15% so với các hộ không tham gia dự án.

Các đại biểu tham quan mô hình cải tạo chất lượng đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo tại Thái Nguyên

Anh Nguyễn Đức Huyền, xóm Mỹ Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, hộ tham gia mô hình cho biết: Anh và các hộ đã được tập huấn kỹ thuật về cách phát hiện động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp để có tỷ lệ thụ thai cao, những kiến thức cơ bản về thụ tinh nhân tạo cho bò, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò sinh sản, cách phối trộn thức ăn tinh từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm giá thành chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ dân đều mong muốn dự án sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng hơn nữa đến nhiều hộ chăn nuôi và các địa phương trong tỉnh.

Đánh giá kết quả triển khai dự án tại Thái Nguyên, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việc triển khai dự án rất cần thiết và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo, tăng năng suất và chất lượng đàn bò địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, qua đó sẽ lan toả hiệu quả của dự án ra cộng đồng.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo là tiền đề nhằm nâng cao chất lượng bộ giống Quốc gia. Sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả cao, công nghệ chuyển giao đơn giản, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian nuôi giúp cho người nông dân nâng cao ít nhất giá trị kinh tế từ 10 - 15% so với phương thức truyền thống. Do vậy, việc triển khai dự án là cần thiết tại các cùng chăn nuôi chính, góp phần chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức bán thâm canh và thâm canh hàng hóa.

Hiện nay, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, do tập quán chăn nuôi bò chủ yếu là bán chăn thả, thả rông trên đồi núi nên việc phát hiện động dục và phối giống cho bò gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương chưa áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và vỗ béo bò thịt nên người dân còn bỡ ngỡ trong việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào mô hình. Từ kết quả triển khai và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội nghị, các địa phương có thể áp dụng mô hình và nhân ra diện rộng, giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm nông thôn.

Nguyễn Thị Hải

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia