Hội thảo có trên 100 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Đại học Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư, nông ngư dân nuôi tôm sú, ốc hương, hải sâm và rong biển các tỉnh tham gia dự án gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Công ty TNHH Trí Tín, Công ty TNHH Rong biển Việt Nam, Tạp chí Thủy sản, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo đài địa phương.

Cũng tại Hội nghị, chủ nhiệm dự án, đại diện các đơn vị triển khai đã trình bày các kết quả đạt được của dự án và đưa ra những thuận lợi, khó khăn, thị trường tiêu thụ trong quá trình triển khai thực hiện dự án để tất cả các đại biểu cùng bàn giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Theo báo cáo tại Hội thảo, Dự án triển khai xây dựng được 02 mô hình “nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển” tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; 02 mô hình “nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển” tại tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế; 02 mô hình nuôi liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Các mô hình đều cho kết quả cao vượt kế hoạch đề ra, trong đó: sản lượng ốc hương là 10 tấn, đạt 200% so với kế hoạch; sản lượng tôm sú là 12,6 tấn, đạt 200% so với kế hoạch; sản lượng hải sâm là 7,88 tấn, đạt 100% so với kế hoạch, sản lượng rong biển (rong nho, rong câu) là 80,5 tấn , đạt 600% so với kế hoạch.

Dự án đã tổ chức được 08 lớp tập huấn cho các hộ tham gia xây dựng mô hình và tập huấn phổ biến công nghệ vào sản xuất cho 344 lượt nông ngư dân, cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông thuộc các tỉnh tham gia dự án để sau khi dự án kết thúc, các học viên có thể áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi kết hợp các đối tượng tôm sú, ốc hương, hải sân và rong biển vào mô hình nuôi nhà mình và tư vấn cho các hộ nuôi xung quanh học tập làm theo.

Trên cơ sở các kết quả phân tích môi trường, bệnh tại các mô hình, điều tra bổ sung các xã nông thôn mới tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế, dự án đã xây dựng các chuyên đề và đã được hội đồng nghiệm thu thông qua. Đó là: Kết quả điều tra, khảo sát bổ sung tại các điểm triển khai mô hình; Đánh giá môi trường nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển; Đánh giá môi trường nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển; Đánh giá bệnh trong mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển; Đánh giá bệnh trong mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển.

Trong quá trình thực hiện dự án, Dự án đã tổ chức 2 cuộc hội thảo cấp tỉnh nhân rộng mô hình và tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa

Hội thảo đã đánh giá các tác động của dự án đối với quá trình xây dựng nông thôn mới. Về hiệu quả kinh tế của mô hình, mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển cho lợi nhuận từ mô hình dao động từ 82,6-344 triệu đồng/hộ (trung bình đạt 449,4 triệu đồng/ha/vụ). Khi so sánh với mô hình nuôi đơn của hộ khác (có cùng diện tích nuôi) thì lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 259 triệu/ha. Như vậy so với mô hình nuôi đơn, mô hình nuôi kết hợp lợi nhuận cao hơn 42,4%. Mô hình nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển, trung bình mỗi hộ lãi từ 165 – 180 triệu đồng/ha. Trong đó lợi nhuận đem lại chủ yếu từ tôm sú, riêng rong câu và hải sâm đem lại hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao do thị trường tiêu thụ trên địa bàn còn khó khăn nên giá bán thấp, tuy nhiên tổng lợi nhuận cao hơn hẳn so với nuôi chuyên canh tôm sú trên cùng một đơn vị diện tích.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án đã góp phần tạo phương thức nuôi mới cho nông dân tại xã nông thôn mới ven biển miền Trung, góp phần nâng cao thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm mô trường và dịch bệnh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững. Dự án cũng góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi trên địa bàn tỉnh miền Trung, chuyển hình thức nuôi đơn hiệu quả kinh tế, môi trường và bền vững không cao sang nuôi kết hợp đạt hiệu quả cao hơn. Qua các số liệu theo dõi môi trường xung quanh mô hình hình nuôi kết hợp cho thấy, thực hiện mô hình này không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sản xuất về nông nghiệp và thủy sản của các hộ xung quang. Mặt khác chất thải của mô hình đảm bảo an toàn môi trường và dịch bệnh đối vùng nuôi trồng thủy sản xung quanh.

Kết luận tại Hội thảo, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TT Khuyến nông Quốc gia đã khẳng định hiệu quả của các mô hình khá cao và kết quả đã đạt được so với các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Vì vậy để phát huy hiệu quả, phát triển bền vững và nhân rộng được các mô hình thì cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng chuyển giao các mô hình nuôi tôm sú, ốc hương với hải sâm và rong biển cho các tỉnh ven biển miền Trung.

- Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III và Trường Đại học Nha Trang tiếp tục nghiên cứu sản xuất các lọai giống tôm sú, ốc hương, hải sâm, rong biển, các loại thực ăn và chế phẩm sinh học phù hợp cung cấp cho bà con nông ngư dân đảm bảo các tiêu chí: an toàn, chất lượng, giá rẻ.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và TT Khuyến nông các tỉnh tiếp tục nghiên cứu quy nuôi kết hợp, xem xét áp dụng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Hướng dẫn bà con nuôi hiệu quả, gắn kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm.

- Đối với các hộ nuôi: Mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tích cực thăm quan các mô hình nuôi mới hiệu quả để học tập và áp dụng nhằm phát triển kinh tế tăng thu nhập.

- Các cơ quan thông tấn báo chí: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giới thiệu quảng bá các mô hình nuôi hiệu quả để một người làm, vạn người biết học tập làm theo.

Đặng Xuân Trường

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia