Dự án đã lựa chọn 91 hộ tham gia với diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn 50 ha, trong đó 32 ha được thực hiện tại xã Trung Nghĩa và 18 ha thực hiện tại xã Hiếu Nhơn. Ngoài hỗ trợ diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, dự án còn hỗ trợ 01 máy cấy hiệu Kubota (xuất xứ Trung Quốc, giá 230 triệu đồng/máy, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/máy) và 10 bình phun động cơ loại bình phun 3 trong 1 hiệu Typhoon (giá mỗi bình 3.400.000 đồng, mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/bình).

Dự án hỗ trợ 01 máy cấy hiệu Kubota 

Mô hình được thực hiện vào vụ Thu Đông năm 2018, trước khi thực hiện tất cả nông dân đều được tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác SRI,… Mô hình sản xuất lúa được yêu cầu thực hiện bằng phương pháp cấy có áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thực hiện trên nền cơ sở của biện pháp 3 giảm 3 tăng/SRI, nông dân đã chuẩn bị tốt ở các khâu: làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cày phơi ải, trục bừa đất bằng phẳng, diệt cỏ dại; Đánh rãnh trên ruộng giúp rửa phèn và dễ quản lý nước trên ruộng; Quản lý, diệt ốc bươu vàng trên ruộng trước khi gieo cấy; Giống lúa được sử dụng OM 5451, cấp xác nhận, số lượng 50 kg/ha, được xử lý với Cruiser và ngâm ủ cho nẩy mầm trước khi gieo mạ; Phương pháp làm mạ khay, tuổi mạ cấy 14 ngày, số lá khi cấy: 2,5-3 lá, số tép cấy/khóm (bụi): 3-5 tép, số khóm cấy/m2: 22 khóm/m2 (30-16cm) và được cấy bằng máy. Bên cạnh đó, các khâu quản lý dinh dưỡng, quản lý nước, dịch hại và thu hoạch được nông dân tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật.

Sau nhiều nỗ lực triển khai, hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng yêu cầu của dự án từ TTKN Vĩnh Long cùng chính quyền địa phương, dự án bước đầu cho thấy kết quả đạt khả quan.

Về mô hình sản xuất lúa, các hộ dân trong mô hình đã thực hiện đạt 100% về diện tích, với giống lúa OM 5451 được chọn cây sinh trưởng và phát triển tốt, nẩy chồi nhanh, cây khỏe, lá đòng to, cứng cây, chồi hữu hiệu nhiều, số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc/bông của ruộng ngoài mô hình thấp hơn trong mô hình nên năng suất trong mô hình được đánh giá cao hơn.

Kết quả ruộng trong mô hình có năng suất bình quân 4,76 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình từ 0,25-0,42 tấn/ha. Đồng thời, việc gieo sạ bằng phương pháp cấy đã giúp người dân thực hiện giảm được 130kg lúa giống/ha, giảm 56kg phân bón/ha, giảm sâu bệnh, giảm thuốc BVTV 02 lần phun/ha,… Theo tính toán, tổng chi phí/01 ha sản xuất lúa trong mô hình là 16.940.000 đồng, ruộng ngoài mô hình chi 19.537.000 đồng/ha; lợi nhuận trong mô hình 31.152.000 đồng, ngoài mô hình 28.672.000 đồng, vì thế lợi nhuận thu được từ ruộng sản xuất theo mô hình cao hơn ngoài mô hình 5.143.000 đồng/ha.

Về dịch vụ cấy, năng suất máy cấy 03 ha/ngày trong trường hợp lượng mạ đáp ứng đầy đủ theo tiến độ, giá dịch vụ cấy (tổng thu) 4.500.000 đồng/ha, chi phí 3.086.000 đồng/ha, lợi nhuận 1.414.000 đồng/ha; như vậy máy làm việc trong khoản 162 ha thì sẽ hoàn vốn.

Về bình phun động cơ, năng suất làm việc 01 bình phun 05 ha/ngày, giá dịch vụ (tổng thu) 1.000.000 đồng/ha, chi phí 570.000 đồng/ha, lợi nhuận 430.000 đồng/ha; như vậy 01 bình phun làm việc trong khoảng 8ha sẽ thu lại vốn đầu tư ban đầu.

Bên cạnh những con số về lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa theo phương pháp cấy, dịch vụ cấy lúa, dịch vụ phun thuốc BVTV, phân bón bằng bình phun động cơ,… dự án đã xây dựng được 02 nhóm liên kết sản xuất lúa tại ấp 3, ấp 4, ấp Trường Hội, xã Trung Nghĩa với 65 thành viên và nhóm liên kết tại ấp Hiếu Hòa A, ấp Hiếu Thủ xã Hiếu Nhơn với 26 thành viên. 02 nhóm này được UBND xã Trung Nghĩa và UBND xã Hiếu Nhơn ra Quyết định thành lập, có Ban chủ nhiệm điều hành hoạt động nhóm và có quy chế hoạt động cụ thể. Các thành viên trong nhóm liên kết với nhau nên việc canh tác lúa bước đầu có tổ chức và mang tính tập thể, trong đó, các thành viên cùng tuân thủ các quy định chung trong thực hiện các khâu sản xuất lúa như: xuống giống đồng loạt, sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, đúng lịch thời vụ, gieo cấy cùng 01 giống lúa, bón phân cân đối và cùng các loại phân, thực hiện bón lót đầu vụ, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý nước ngập - khô xen kẽ theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa. Đồng thời, việc thành lập Nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã đem lại lợi ích như chủ động tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, sản xuất ra sản phẩm an toàn đáp ứng được yêu cầu của Công ty, Doanh nghiệp nói riêng và của thị trường nói chung. Cụ thể liên kết nhóm đã tạo cơ hội thuận lợi cho nông dân trong nhóm ký kết được hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, giá thu mua lúa khô là 6.600 đồng/kg tại xã Trung Nghĩa và xã Hiếu Nhơn cao hơn so với sản xuất đại trà cùng giống 200 đồng/kg.

Ngoài ra, qua các lớp tập huấn, đào tạo ngoài mô hình, các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ tại mô hình; Các bản tin thời sự, phóng sự chuyên đề về dự án đã được phát trên sóng Đài truyền hình địa phương, người dân sản xuất lúa trong tỉnh sẽ thấy rõ hơn kết quả và hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của dự án nên khả năng nhân rộng mô hình của dự án là hoàn toàn có thể trong thời gian tới.

Phan Mai A Đam

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long