Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Minh Quán đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Vài năm trở lại đây, từ lợi thế về diện tích đất rừng nhiều, nguồn cây cho phấn cho mật nhiều, một số hộ dân nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro… nên đã đầu tư, mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống.

Nhằm thúc đẩy phong trào nuôi ong tại xã  Minh Quán phát triển mạnh, đồng thời xây dựng điểm thăm quan học tập về áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi ong mật chất lượng cao (theo hướng VietGAHP), năm 2018, thực hiện dự án khuyến nông Trung ương ”xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh MNPB và miền Trung Tây Nguyên”, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Minh Quán triển khai xây dựng mô hình với quy mô hỗ trợ là 100 đàn cho 05 hộ nông dân tại các thôn 1,3,4,10. Mô hình giúp người dân nắm bắt kỹ năng, áp dụng vào thực tế sản suất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng đạt tiêu chuẩn, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Từ kết quả đó sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Minh Quán nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung.

Mặc dù năm 2018, thời tiết mưa, bão nhiều nhưng với sự đam mê nuôi ong mật, các hộ tham gia mô hình đã liên tục di chuyển đàn ong đến những vùng có hoa và mật để khai thác, vừa giúp thụ phấn cho cây trồng, vừa tăng thêm sản lượng mật ong cho người nuôi.

Đến nay sau 10 tháng thực hiện, trung bình các hộ đã khai thác được 10 lần, năng suất đạt khoảng 1,33 lít/đàn/lần khai thác. Nếu tính cả năm, tổng khối lượng mật khai thác trung bình đạt 18,6 kg/đàn. Với giá bán hiện tại là 180.000 - 200.000 đồng/lít, thu nhập bước đầu từ một đàn ong đạt trên 3.600.000 đồng/ năm.

Việc thực hiện mô hình đã giúp các hộ tham gia và các hộ lân cận nắm được quy trình kỹ thuật nuôi ong mật chất lượng cao (theo hướng ViệtGAHP) như: lựa chọn địa điểm đặt đàn ong, phương pháp nhân đàn, tạo chúa, thay chúa, khai thác mật ong, cho ăn, di chuyển đàn ong đi khai thác, bảo quản mật ong… để từ đó tiếp tục tăng quy mô đàn ong trên địa bàn xã và vùng lân cận.

Hiệu quả ban đầu của mô hình đã giúp cải thiện cuộc sống của các hộ tham gia mô hình, đồng thời giúp các hộ nuôi ong mật trong vùng cải thiện được nguồn giống, có thêm kinh nghiệm và kỹ nuôi ong theo hướng VietGAHP, sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường trong và ngoài nước.

Ngô Đăng Sỹ

Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái