Mô hình đã sử dụng trấu và mùn cưa làm nguyên liệu chủ yếu để xây dựng đệm lót, sau 2 - 3 ngày sau khi thực hiện bố trí đệm lót thì thả heo vào nuôi. Tùy điều kiện mà có thể xây chuồng mới với nền đất hoặc cải tạo từ chuồng cũ, đều có thể nuôi được. Đối với những chuồng nuôi cũ, có nền là xi măng thì phải tiến hành đục mỗi lỗ rộng 10 cm, và cứ cách 20 – 30cm đục một lỗ, mục đích giúp nước thoát tốt, tránh ứ đọng gây hư đệm lót. Để đảm bảo đệm lót sử dụng được lâu, cần chú ý luôn giữ đệm lót đạt độ ẩm phù hợp, tuyệt đối không để chuồng bị đọng nước. Vào mùa nóng phải giữ chuồng thông thoáng hoặc có thể bố trí thêm hệ thống phun sương nhằm làm mát cho heo và giữ ẩm cho đệm lót, mật độ nuôi phù hợp là từ 1,8 m2/con.


Anh Lý Minh Luận cho biết: “Trước đây tôi không thể nào tin là việc nuôi heo không cần tắm mà không gây mùi hôi cho chuồng nuôi và lại có hiệu quả cao. Nhưng qua đợt nuôi trình diễn với sự hỗ trợ từ Trạm Khuyến nông Tân Châu, tôi nhận thấy đây là mô hình rất hiệu quả trong chăn nuôi heo, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí chăn nuôi nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, mặc dù không phải tắm rửa nhưng đàn heo vẫn phát triển khỏe mạnh, da thịt bóng hồng, ít bệnh, không còn xuất hiện ruồi nhặng và giảm thiểu một cách hiệu quả mùi hôi bốc ra từ chuồng nuôi, không còn gây phiền hà cho những hộ lân cận”.


Theo anh Hứa Long Sơn, cán bộ Trạm Khuyến nông huyệnTân Châu, mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Kỹ thuật cũng khá dễ và thời gian sử dụng của đệm lót lâu nên người chăn nuôi sẽ dễ dàng áp dụng. Mô hình này giúp tiết kiệm được 60% công lao động, 60 - 80% chi phí điện, nước. Ngoài ra, do trên nền đệm lót có chứa hệ vi sinh có lợi nên khả năng tiêu hóa và sử dụng thức ăn của heo sẽ hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí thức ăn và heo thịt khi xuất bán ra thị trường cho phẩm chất thịt ngon hơn so với cách nuôi trên nền xi măng truyền thống.


Từ kết quả của mô hình trình diễn năm 2013, năm 2014 Trạm Khuyến nông Tân Châu đã tuyên truyền, phổ biến nhân rộng và hướng dẫn người dân về kỹ thuật xây dựng, thiết kế chuồng nuôi trên nền đệm lót sinh học và đến nay mô hình này đã nhân rộng ra thêm được 4 hộ ở các xã phường khác như Long Hưng, Long Châu, Long An và Vĩnh Xương.


Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng tăng, giá thức ăn cũng như giá heo hơi luôn có nhiều biến động, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi, thì mô hình đệm lót sinh học được xem là một mô hình thích hợp, giúp người chăn nuôi tiết kiệm được nhiều chí phí đầu tư cho một đợt nuôi, như giảm chi phí: điện, nước, thức ăn, công lao động, thuốc thú y... Từ đó, giúp mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi bền vững và góp phần thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

 

Quang Bình
Trạm Khuyến nông Tân Châu