Vì vậy trên các diện tích đất trồng lúa trong vụ Đông Xuân không đủ nước tưới này, việc chuyển đổi loại cây trồng khác có nhu cầu nước tưới ít hơn so với cây lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời ổn định thu nhập của người nông dân là việc cần thiết.

Xuất phát từ thực tế đó, Vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar thực hiện mô hình “Trồng ớt cay bằng màng phủ nông nghiệp trên ruộng lúa bấp bênh” tại  3 xã Cư Huê, Cư Ni và Ea Pal của huyện EaKar với quy mô thực hiện 2,6 ha và  5 hộ tham gia.

Mô hình được thực hiện từ tháng 11/2018 đến tháng 05/2019. Qua đánh giá mô hình, các hộ  tham gia và bà con nông dân trong vùng đều ghi nhận: Giống ớt hiểm lai Deli 686 sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng 80- 85 ngày, tỷ lệ nảy mầm tốt đạt 90%. Mặc dù trong thời gian triển khai, một số điểm mô hình bị nhiễm nhẹ bệnh chết héo cây con trong vườn ươm và bệnh héo xanh vi khuẩn ngoài đồng ruộng nhưng đã được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình hướng dẫn phun thuốc phòng trị kịp thời, nên không ảnh hưởng đến năng suất và kết quả mô hình. Năng suất ớt trong mô hình bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Đặc biệt trong năm 2019, tại thời điểm thu hoạch, giá ớt đột ngột tăng cao, bình quân 30.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt từ 450 – 600 triệu đồng/ha, đã góp phần làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Năng suất ớt trong mô hình bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha

Hiệu quả hơn cả của mô hình đó là người nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với các chân ruộng không đảm bảo nước cho việc trồng lúa vụ Đông Xuân, góp phần làm đa dạng các loại giống cây trồng trong sản xuất, đồng thời mô hình tác động đến nhận thức của bà con trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường và thiên địch trên đồng ruộng.

Sử dụng đất và nguồn nước tưới một cách hợp lý bằng biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực là vấn đề cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ trong thời gian sắp tới, việc hỗ trợ ngân sách từ các cấp, các ngành để thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa bấp bênh tại các địa phương là thật sự cần thiết để người dân được tiếp cận với các quy trình kỹ thuật, các giống thích nghi với các vùng sinh thái khác nhau và giải được bài toán khó cho bà con nông dân tại các vùng nước tưới không ổn định.

Hoàng Liên

TT Khuyến nông Đắk Lắk