Trước đây, cánh đồng thôn Hạ Vàng, xã Vượng Lộc không bằng phẳng, ruộng cao, ruộng thấp, nông dân sử dụng nhiều giống nên canh tác, chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Từ khi phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, không chỉ diện tích đồng ruộng gia tăng mà còn rất thuận lợi cho việc sản xuất, chăm bón, tưới tiêu, áp dụng cơ giới hóa… Việc xây dựng mô hình “Xây dựng, nhân rộng vùng lúa tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP" đã mang đến cơ hội cho các hộ dân nơi đây được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về sản xuất lúa theo VietGAP từ ghi chép sổ nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc BVTV và phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại…

Cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tại đồng ruộng cho bà con nông dân

 

Thời điểm thu hoạch, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm đã được Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định thu mua với giá lúa tươi tại ruộng 7.000 đồng/kg và hỗ trợ bao bì đóng gói.

Gia đình ông Định tại thôn Hạ Vàng cho biết, những năm trước, gia đình ông canh tác trên diện tích 7 sào, năng suất bình quân 250 kg/sào. Năm nay tham gia mô hình do TTKN Hà Tĩnh thực hiện, năng suất đạt 300 kg/sào, cao nhất từ trước đến nay. Bà con được công ty hỗ trợ bao bì đóng lúa, lúa tươi được công ty thu mua ngay tại ruộng với giá cao nên ai cũng phấn khởi.

Thành công bước đầu của mô hình là nền tảng hình thành những cánh đồng mẫu lớn để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, liên kết với doanh nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững.

Thăm mô hình cánh đồng lúa LP5 tại xã Vượng Lộc

 

Nguyễn Thị Lý

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh