Từ nhiều năm nay, tại các vùng trồng rau màu ở Gia Lộc, nông dân đã sử dụng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất dưa các loại, kết hợp với nilon trắng, vải trắng, lưới đen để chống mưa, hạn chế nắng nóng cho sản xuất rau màu trái vụ, giảm rủi ro trong sản xuất. Thông qua hệ thống truyền thông và thăm quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương khác, một số chủ doanh nghiệp và hộ nông dân đã nhận thức được lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp trong nhà màn, nhà lưới giúp giảm công lao động, sản phẩm sản xuất ra đạt được các tiêu chuẩn an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Người đi tiên phong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lộc là ông Trần Trọng Vinh, thôn Nội, xã Toàn Thắng với mô hình nhà màn diện tích 1.750m2. Qua sản xuất vài vụ, mô hình đã có hiệu quả rõ rệt, khích lệ phong trào nông nghiệp công nghệ cao trong toàn huyện. Tính đến tháng 4 năm 2018, theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp &PTNT, toàn huyện có 2 Công ty đó là Công ty TNHH Hưng Việt và Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ HD Green, 1 Hợp tác xã Tân Minh Đức và 4 hộ có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; với diện tích nhà kính 2.000m2, diện tích nhà màn 42.550m2, diện tích nhà lưới 25.300m2. Năm 2018, huyện phấn đấu phát triển 10.000m2 nhà màn, nhà lưới, nâng tổng số diện tích nhà kính, nhà màn, nhà lưới trên địa bàn huyện là 79.850m2. Hiện nay, huyện đã quy hoạch xong 3 vùng chuyên canh rau màu ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm với quy mô 82 ha.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của ông Trần Trọng Vinh, thôn Nội, xã Toàn Thắng

Ông Trần Trọng Vinh, thôn Nội chia sẻ: “Đầu tư xây dựng nhà màn cần vốn đầu tư cao, yêu cầu hệ thống phục vụ sản xuất đồng bộ như: hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, hệ thống quạt thông gió… Tuy nhiên ưu điểm là sâu bệnh hại cây trồng ít, năng suất cây trồng cao, độ đồng đều của sản phẩm cao, hình thức đẹp và chất lượng tốt. Trước khi gieo trồng, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác như: doanh nghiệp,cơ quan, trường học. Lợi thế của nông nghiệp công nghệ cao là tạo ra mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ, không bị tư thương ép giá, sản xuất có tính bền vững”.

Ông Phùng Thanh Mừng, Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức cho biết: “Từ khi Hợp tác xã có mô hình nhà màn, các đối tác mua sản phẩm của Hợp tác xã tăng lên như: siêu thị Big C, công ty Harumenori… Sản xuất trong nhà màn luôn luôn chủ động, áp dụng đúng quy trình sản xuất trong điều kiện tiểu khí hậu nhà màn, sản xuất có tính ổn định cao, bền vững sẽ cho kết quả tốt”.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp nước nhà nói chung và huyện Gia Lộc nói riêng, đây cũng chính là chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra năng suất, chất lượng cao, có tính ổn định, bền vững.

Bùi Văn Viện

Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương