Mô hình triển khai từ tháng 12/2020. Trong thời gian nuôi, thời tiết khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của lươn. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên và Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ kỹ thuật nuôi, chăm sóc lươn. Cùng với đó, hộ dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi lươn từ khâu xử lý bể nuôi, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho lươn… Nhờ đó lươn sinh trưởng và phát triển tốt. 

Với diện tích 60m2, số lượng giống thả nuôi là 3.600 con, sau gần 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống là 89% (cao hơn so với yêu cầu đề ra là 60%). Cỡ lươn hiện nay là 9 – 14 con/kg, năng suất 5,9 kg/m2, ước tổng thu hơn 356 kg. Giá lươn trên thị trường hiện nay dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. 

Ông Của kiểm tra lươn nuôi

 

Ông Lê Văn Của chia sẻ, so với nuôi lươn theo cách truyền thống thì nuôi lươn không bùn dễ quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển và phát hiện bệnh ở lươn. Nuôi không bùn có thể nuôi với mật độ cao hơn nhiều lần so với nuôi lươn truyền thống. Để lươn khỏe mạnh và nhanh lớn cần cho lươn ăn ngày 2 lần, vào lúc 8 giờ sáng và 4 giờ chiều. Thức ăn của lươn chủ yếu là cá tạp, giun, ốc, hến, trùn quế và cám công nghiệp... Do lươn cần nhu cầu protein cao ít nhất 30% khẩu phần ăn của chúng nên có thể cho lươn ăn khoảng 6-7 phần nghêu, ốc, hến hoặc cá tạp + 3 - 4 phần cám từ gạo, ngô, bột sắn. Thức ăn nên hấp chín, định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C với liều lượng 4-5 g/kg thức ăn hoặc trộn tỏi vào thức ăn với lượng 4-5 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. Sau khi cho ăn 1-2 giờ thay nước để môi trường khỏi bị ô nhiễm. Định kỳ 15 ngày sổ giun cho lươn một lần.

Ông Lê Văn Của cho biết thêm, hiện nay ông đang ương giống và dự kiến sẽ thu được 15.000 con lươn giống để xuất bán cho những bà con có nhu cầu. Ông dự định sẽ mở rộng thêm diện tích ương lươn giống để người có nhu cầu không phải mua giống từ miền Tây, miền Nam.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể bước đầu cho thấy đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đây sẽ là điểm để các hộ dân khác tới học tập và trao đổi kinh nghiệm về cách nuôi lươn, góp phần phát triển một mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương.

Ông Của kiểm tra tổ đẻ của lươn

 

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên