Vườn chôm chôm của ông Lê Văn Luận đã cho quả bói

Dự án đã xây dựng mô hình thâm canh cây ăn quả từ tháng 8/2012, với tổng diện tích 45 ha, trong đó: cây sầu riêng 15ha; cây bưởi da xanh 15ha và cây chôm chôm 15ha. Các giải pháp khoa học và công nghệ được ứng dụng đồng bộ gồm: Giống cây ăn quả được bình tuyển từ cây đầu dòng một số loài cây ăn quả của Trung tâm Khuyến nông của Tỉnh Quảng Ngãi. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả theo từng năm và từng giai đoạn phát triển do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao.

Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn tận tình cho các hộ tham gia mô hình, cùng với họ lập lịch chăm sóc vườn cây dựa trên cơ sở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển và nhật ký xây dựng mô hình để cùng nhau đánh giá và đúc kết kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do yếu tố khách quan, thời tiết diễn biến bất lợi xảy ra (lũ lụt, hạn hán...) nên số cây trồng bị hao hụt nhiều, đến thời điểm hiện nay tổng số diện tích còn lại là: 22,7225 ha (chiếm 50,49% theo kế hoạch) với 196 hộ tham gia; trong đó: cây chôm chôm 6,3225 ha, sầu riêng 6,755 ha và bưởi da xanh 9,645 ha.

Số cây còn lại nhờ các hộ tham gia mô hình có ý thức chấp hành tốt trong việc chăm sóc vườn cây ăn quả theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật cũng như kỹ thuật viên cơ sở từ đó vườn cây ăn quả sinh trưởng phát triển tốt. Cụ thể:

Mô hình cây chôm chôm: Diện tích còn lại ở các xã, thị trấn là 6,3225ha. Năng suất chôm chôm thu được trong năm 2016 là 2.530,7kg. Số hộ có cây ra hoa, đậu quả nhiều nhưng số lượng quả/cây thấp (150 quả/cây) và khối lượng quả chỉ đạt 34,6g nên năng suất thu được thấp.

Tuy đã có thu nhập nhưng do chôm chôm mới bước sang năm thứ 4 nên năng suất, khối lượng quả chưa ổn định, một số cây mới cho quả bói kết hợp với việc tỉa bỏ hoa, quả ở năm đầu nên lợi nhuận từ mô hình chôm chôm chưa cao. Ông Trần Văn Xanh (thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức) cho biết: ”Đất vườn của gia đình tôi rất xấu, đất khô cằn nên trước đây trồng cây rau màu gì cũng đều bị chết cả. Sau này, được Trạm Khuyến nông huyện khuyến khích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, tôi có được nhận 50 cây chôm chôm về trồng. Năm đầu tiên, một số cây bị hư hại do mưa lụt, số còn lại sinh trưởng và phát triển tốt. Đến năm thứ 2, cây ra hoa cho quả khoảng 2kg/cây. Đến năm thứ 3, năng suất đạt gấp đôi khoảng 4kg/cây. Trái có màu sắc tươi đẹp, vị ngọt, nẩy hạt, cơm dày, thơm ngon...”.

Mô hình bưởi da xanh, diện tích còn lại 9,645 ha, nhiều hơn diện tích chôm chôm và sầu riêng, chứng tỏ bưởi da xanh khá phù hợp với điều kiện huyện Nghĩa Hành. Tổng năng suất bưởi da xanh thu được ở các xã là 1,1 nghìn kg. Với giá bán bưởi da xanh hiện nay là 35.000đ/kg thì lợi nhuận từ mô hình thu được năm 2016 là 57,8 triệu đồng.

Cũng như mô hình chôm chôm, mô hình bưởi da xanh chỉ mới bước sang năm thứ 4 nên các chỉ tiêu về quả và năng suất quả còn thấp, chưa ổn định. Hiện nay, đa số cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, trong những năm tới, cây được đầu tư đầy đủ và chăm sóc theo đúng quy trình thì khi cây bưởi chính thức bước vào thời kỳ kinh doanh chắc chắn sẽ có lãi.

Mô hình cây sầu riêng, diện tích còn lại là 6,755 ha, đa số cây hiện nay sinh trưởng tốt. Tuy nhiên đối với cây sầu riêng thì trung bình phải đến năm thứ 6, thứ 7 mới ra hoa đậu quả. Do đó, để bước đầu đánh giá được hiệu quả kinh tế phải chờ đến 2 hoặc 3 năm nữa.

Thông qua kết quả dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần ổn định dân sinh và kinh tế - xã hội vùng dự án. Ông Lê Quang Tịnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, chủ nhiệm dự án đánh giá: Qua 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được một số kết quả rất thiết thực. Về mặt kinh tế, người dân đã nhận thức được việc cải tạo vườn tạp phát triển cây ăn quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Dự án đã khẳng định được thổ nhưỡng ở huyện Nghĩa Hành rất phù hợp để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là bưởi da xanh, chôm chôm và sầu riêng. Về mặt xã hội, đây là nguồn sản phẩm sạch và trái vụ cung cấp cho thị trường trong vùng và lân cận. Đây cũng là dự án góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghĩa Hành.                                                   

Với kết quả bước đầu của dự án đã khẳng định sự đóng góp của khoa học công nghệ trong việc tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho những năm về sau, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn huyện.

Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Hành nhận xét: Mặc dù diện tích cây ăn quả của dự án bị mất đi một nửa do thiên tai nhưng kết quả đạt được từ dự án có thể khẳng định rằng phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng mà huyện Nghĩa Hành đang hướng tới. Trong thời gian đến (giai đoạn 2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, tiếp tục thực hiện 200 ha ăn quả trên địa bàn huyện.

Thành công của dự án khoa học và công nghệ “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển cây ăn quả (sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm) hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi” đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào trong vùng dự án, mở ra một khả năng to lớn trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu và đất đai còn dồi dào của huyện Nghĩa Hành, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Nghĩa Hành nói riêng.

Phương Dung