Trước đây, vùng đất này một phần được Hợp tác xã Đông Dương, xã Hải Dương (HTX) trồng tràm và một phần là đất hoang hóa. Năm 2017, HTX đã khai hoang, cải tạo và đưa vào trồng thử nghiệm một số cây trồng nhưng chưa hiệu quả. Để giúp khai thác có hiệu quả trên vùng đất cát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trồng lạc mật độ dày (45 cây/m2) trên vùng đất cát với diện tích 2 ha, có 4 hộ của tổ hợp tác trồng lạc thôn Đông Dương tham gia.

Mô hình trồng lạc trên đất cát tại thôn Đông Dương

Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ giống lạc, một phần vật tư nông nghiệp cũng như kỹ thuật từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch. Theo đánh giá của bà con nông dân, vụ Đông xuân năm nay mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp  nhưng cây lạc sinh trưởng và phát triển ổn định,  thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây, phù hợp với canh tác trên những vùng đất cát bạc màu.

Ông Phan Văn Quang, Giám đốc HTX Đông Dương cho biết “Để triển khai mô hình này, chúng tôi được cán bộ khuyến nông tập huấn rất kỹ. Sau 1 tháng gieo trồng cho thấy lạc là cây rất phù hợp trên vùng đất rú cát, hiệu quả ban đầu rất tốt”.

Có thể nói, thông qua mô hình sẽ chọn được cây trồng mới mới phù hợp trên vùng đất rú cát của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trên cơ sở mô hình này, trong thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình trên các vùng đất cát bạc màu ven biển, góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị