Một trong những nguyên nhân là điều kiện môi trường sản xuất thường xuyên nóng, ẩm, mưa nhiều vào giai đoạn phát triển quả nên các loại sâu bệnh dễ phát sinh, phát triển. Bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất còn lạm dụng việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, dẫn đến nhiều diện tích chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã để xuất khẩu.

Với mục tiêu ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thâm canh xoài, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Trung tâm Khuyến nông Sơn La đã thực hiện mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” giai đoạn 2020-2022 tại huyện Mai Sơn và Yên Châu, quy mô thực hiện 16 ha, với 7 hộ tham gia từ nguồn kinh phí dự án khuyến nông Trung ương.

Tham gia mô hình, các hộ được chuyển giao kỹ thuật thâm canh xoài theo quy trình VietGAP như: kỹ thuật tỉa cành tạo tán; quản lý dinh dưỡng và cải thiện chất lượng quả thông qua kỹ thuật bao quả. Ngoài hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu và Mai Sơn cấp phát gần 16 tấn phân bón, 245.000 túi bao quả và 140 gói thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình. Trung tâm cũng đã tổ chức các buổi tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho quả tươi an toàn, hoàn thiện quy trình và hỗ trợ giấy chứng nhận VietGAP.

Anh Nguyễn Thành Đô (bản Phát, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) là một trong 4 hộ tham gia mô hình, quy mô 0,5 ha chia sẻ, trước đây, anh chưa biết và chưa sử dụng bao quả nên quả bị bệnh thán thư, ghẻ xẹo, ruồi vàng tấn công và hỏng nhiều. Sau khi tham gia mô hình, bắt đầu áp dụng kỹ thuật bao quả, chất lượng và mẫu mã quả xoài tốt hơn, sản lượng tăng từ 10 - 20% so với năm trước.

Với quy mô 1 ha, gia đình anh Hà Văn Khánh (bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) nhận thấy nhiều thay đổi từ khi tham gia mô hình. Anh cho biết: Trước kia, trồng xoài theo phương pháp thông thường, bỏ công chăm sóc nhiều nhưng hiệu quả không cao, sản lượng trung bình chỉ đạt từ 5-7 tấn quả/vụ. Sau 2 năm tham gia mô hình, gia đình anh được hướng dẫn cách làm mới, bắt đầu có sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất, tiến hành bao quả từ giai đoạn sớm và bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Vườn xoài Đài Loan của gia đình anh phát triển tốt, quả nhiều và đều quả. Vụ xoài năm 2021, năng suất đạt trên 20 tấn/ha.

Anh Hà Văn Khánh chăm sóc vườn xoài tham gia mô hình

 

Là một trong hai hợp tác xã tham gia mô hình, Hợp tác xã Nông nghiệp Quý Huy (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) hiện có quy mô sản xuất 20 ha trồng xoài với 15 thành viên tham gia trồng và chăm sóc, trong đó có 3 ha thực hiện mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Hàng năm, hợp tác xã tiêu thụ ra thị trường từ 200 - 250 tấn quả.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quý Huy cho biết: Các thành viên trong hợp tác xã đều phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có sổ ghi chép thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa muộn nên quả xoài đạt khối lượng yêu cầu, bán được giá cao hơn. Giá bán tại vườn từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với các vườn bán trước.

Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chủ nhiệm dự án đánh giá: Sau 2 năm thực hiện mô hình, các hộ đã chuyển đổi phương thức chăm sóc truyền thống sang áp dụng quy trình chăm sóc có ghi chép nhật ký sản xuất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, bao quả, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nên sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt. 100% diện tích mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất xoài mô hình tăng trên 15% so với ngoài mô hình. Ngoài ra, hộ tham gia mô hình còn hướng dẫn, truyền đạt các kỹ thuật chăm sóc an toàn cho các hộ lân cận trong khu vực, góp phần nhân rộng mô hình trồng xoài trong cộng đồng./.

Thảo Hiếu

Trung tâm Khuyến nông Sơn La