Mô hình trình diễn các giống lúa thuần chất lượng cao HD11, HDT10, LH12, J02, J99, TH3-7 với quy mô 01 ha tại xóm Nam thái, xã Tân Cương và giống lúa đối chứng là Khang dân 18; áp dụng phương pháp cấy hàng rộng hàng hẹp, kết hợp sử dụng phân nén dúi sâu N-K.

Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn các giống lúa thuần chất lượng cao tại xóm Nam Thái, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên

 

Qua đánh gia kết quả thực hiện mô hình cho thấy, các giống lúa trình diễn có thời gian sinh trưởng từ 120 – 130 ngày; phù hợp với điều kiện sản xuất tại thành phố Thái Nguyên, có thể khuyến cáo đưa vào cơ cấu Xuân muộn – Mùa sớm và Mùa trung – cây vụ Đông. Các giống lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, số dảnh hữu hiệu cao; các yếu tố cấu thành năng suất như số bông/khóm, số hạt/bông, số hạt chắc/bông đều cao hơn đối chứng; nhiễm sâu bệnh hại ở mức nhẹ hơn và khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi tốt hơn so với Khang dân 18. Năng suất của các giống lúa trình diễn cao từ 50 – 64 tạ/ha, trong khi Khang dân 18 chỉ đạt 46,5 tạ/ha; dạng hạt gạo thon dài, hạt gạo trong, cơm mềm, thơm nhẹ, vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên giá bán cũng cao hơn Khang dân 18. Mỗi sào lúa trình diễn, người dân thu lãi từ 1,5  – 1,8 triệu đồng, cao hơn đối chứng 450 – 700 nghìn đồng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện, khảo sát các giống lúa chất lượng cao và biện pháp sử dụng phân viên nén N-K dúi sâu kết hợp cấy hàng rộng, hàng hẹp… từ đó tổng kết, đánh giá và tham mưu cho thành phố nhân rộng ra sản xuất đại trà./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên