Mô hình được thực hiện với quy mô 15 ha, số hộ tham gia là 90 hộ. Các loại máy móc được hỗ trợ trong mô hình bao gồm 3 máy cấy loại SPW-48C, 1 máy gieo hạt giống SR-K610VN, 3.600 khay mạ loại 60 x 30 cm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%, các hộ nông dân tham gia mô hình đối ứng 70% giá trị các loại máy móc.


Các hộ tham gia mô hình là những hộ có khả năng đối ứng, tinh thần tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cánh đồng thực hiện mô hình là khu vực thuận lợi tưới tiêu, chăm sóc; thuận lợi tổ chức hội nghị, hội thảo.


Tham gia mô hình, bà con được tập huấn về kỹ thuật làm mạ khay, thực hành hướng dẫn lái máy cấy, kỹ thuật chăm sóc lúa sau khi gieo cấy.


Qua thời gian triển khai, kết quả của mô hình cho thấy: Các loại máy móc trong mô hình đã được nông dân tiếp cận và đưa vào sản xuất một cách hiệu quả, cánh đồng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mạ khay máy cấy cho năng suất, giá trị cao hơn so với việc bà con nông dân áp dụng biện pháp cấy tay thông thường.


Tại hội nghị tổng kết mô hình vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Yên Định cho biết, nhờ áp dụng biện pháp mạ khay máy cấy, với phương pháp làm mạ tập trung, mật độ cấy thưa (28 khóm/m2) nên ruộng lúa sinh trưởng tốt hơn, chi phí phòng trừ sâu bệnh giảm, chi phí cấy so với áp dụng cấy tay giảm từ 40 - 50%/ha, năng suất trong mô hình (sử dụng giống lúa Q5) đạt 60 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng cấy tay là 6 triệu đồng/ha.


Ông Trần Văn Hào - Chủ nhiệm HTX xã Yên Thọ cho biết, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mạ khay máy cấy vào sản xuất đã giúp cho địa phương chủ động được diện tích gieo mạ, chăm sóc mạ một cách tập trung, đáp ứng được thời vụ, nhờ đó cây mạ phát triển toàn diện, khi cấy hồi xanh bén rễ nhanh hơn. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình, đã giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, nhờ đó tăng được giá trị thu nhập cho nguời trồng lúa.

 

Nguyễn Trọng Minh 

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa