Việc xây dựng mô hình nhằm giúp nông dân được “mắt thấy, tai nghe” về các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh lúa. Qua đó, giúp bà con từng bước thoát khỏi tập quán canh tác cũ như cấy dày, thường xuyên giữ nước trong ruộng lúa, đốt rơm rạ sau thu hoạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách…

Phương pháp thâm canh lúa cải tiến áp dụng công nghệ cấy lúa hàng biên sử dụng mạ non, cấy thưa, ưu tiên bón phân hữu cơ vi sinh, phân viên dúi sâu, dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo mộc (ớt, tỏi, gừng…), điều tiết nước luân phiên khô hạn, quản lý cỏ dại và sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng.

Mô hình thâm canh lúa cải tiến áp dụng hiệu ứng hàng biên tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa

Tại mô hình, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nông dân thực hiện cấy với mật độ 32 khóm/m2, cấy 1dảnh/khóm, khoảng cách cấy là hàng sông rộng x hàng sông hẹp x hàng con bằng (40 x 15 x 12 cm). Thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa TEJ Vàng áp dụng phương pháp thâm canh cải tiến, cấy theo hiệu ứng hàng biên phát huy tối đa lợi ích, đó là tận dụng được ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa, nên lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, lá đòng thẳng, cứng cây, trỗ bông tập trung, bông to dài. Khi cấy với mật độ thưa, cây lúa sinh trưởng mạnh, hồi xanh sớm và đẻ nhánh khoẻ, số dảnh hữu hiệu/khóm cao, bông dài và nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, ruộng lúa thông thoáng nên hạn chế được sâu bệnh, từ đó giảm 100% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm 50% chi phí về giống và giảm công lao động so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, quy trình thâm canh lúa cải tiến đã tiết kiệm được 30% nguồn nước tưới nhờ phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ. 

Ông Lô Văn Búp, thôn Xằm, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân - thành viên tham gia mô hình chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi rất băn khoăn vì cấy theo phương pháp mới, số khóm trên 1 diện tích giảm, phân bón, công lao động cũng giảm, không biết cây lúa có phát triển tốt và cho năng suất cao hay không. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và động viên, chúng tôi cũng yên tâm hơn. Vụ Xuân 2018, gia đình tôi mạnh dạn áp dụng và thí điểm 1 sào, năng suất trung bình đạt hơn 4,4- 4,6 tạ/sào. Phương pháp này giúp chúng tôi giảm chi phí đầu tư về giống đến 70%, trước đây 1 sào cấy 2,5 kg, khi áp dụng phương pháp này chúng tôi chỉ hết 0,7- 1,0 kg giống, năng suất lại cao nên thu lãi nhiều hơn so với cách làm thông thường”.

Tại xã Thượng Ninh, trên những cánh đồng lúa bát ngát phủ kín một màu vàng óng ả, ông Nguyễn Văn Long- thôn Minh Đức, cho biết: “Vụ Xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 6 sào lúa TEJ Vàng theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến cấy hàng rộng, hàng hẹp, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân viên nén dúi sâu nên tiết kiệm được lượng phân bón. Đặc biệt là không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm được công lao động mà năng suất đạt trên 4 tạ/sào. Năm tới, không có sự đầu tư hỗ trợ của dự án, gia đình chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cấy phương pháp cải tiến trong những vụ tiếp theo”.

Việc ứng dụng thâm canh lúa cải tiến áp dụng cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, tăng cường bón phân hữu cơ, phân viên nén dúi sâu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo mộc để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Để nhân rộng mô hình, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, các xã trong huyện cần phối hợp, tạo điều kiện khảo nghiệm; các hộ nông dân mạnh dạn tham gia mô hình nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong quá trình sản xuất và quyết tâm vượt qua thói quen lao động cũ, từng bước tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới góp phần phát triển sản xuất lúa bền vững./.

Thu Hiền

TTKN Thanh Hóa