Đặc biệt, các mô hình được triển khai thực hiện ở vụ Mùa như: Mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh trong sản xuất lúa chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện tại các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Thanh; Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thường Xuân… với quy mô mỗi điểm: 11 ha/điểm, 60 hộ tham gia/điểm. Khi tham gia mô hình, ở các huyện đồng bằng, người dân được hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón, các huyện miền núi được hỗ trợ 70% giống, phân bón và được tham gia các lớp tập huấn, tham quan, tổng kết mô hình và được trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm khi gặp các vấn đề về kỹ thuật khi thực hiện mô hình.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra các mô hình, qua kiểm tra đánh giá hiệu quả thực tế trên đồng ruộng cho thấy: Hiện lúa tại các điểm của mô hình sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh, dự kiến sẽ cho năng suất cao. Cán bộ chỉ đạo và UBND các xã luôn kiểm tra, theo dõi và đôn đốc bà con thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, chăm sóc, phát hiện sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Tiêu biểu như mô hình “Ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thông minh trong sản xuất lúa chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” được triển khai tại xã Yên Thọ huyện Như Thanh. Đây là mô hình được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, được bà con vô cùng phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình cũng như cam kết đối ứng giống vật tư đầy đủ và thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Kiểm tra mô hình Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa chất lượng gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Như Thanh

 

Anh Trịnh Văn Thanh - hộ trực tiếp tham gia mô hình phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình chúng tôi làm theo thói quen, cấy không theo thời vụ, bón phân không theo nhu cầu của cây lúa, cứ thích là bón, nhất là việc phòng trừ sâu bệnh: trên ruộng cứ có sâu, có bệnh là mua thuốc phun. Nhưng từ khi được tham gia mô hình, bản thân tôi nói riêng và người dân tham gia mô hình nói chung được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất lúa, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho lúa ở mỗi giai đoạn khác nhau nên bước đầu tôi thấy vô cùng hiệu quả rõ rệt. Hơn thế nữa, khi tham gia mô hình chúng tôi còn được kết nối với các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, điều này rất mới và đáp ứng được lòng mong mỏi cũng như hướng chúng tôi nhận thức rõ hơn về sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa, hướng tới các sản phẩm mang tính bền vững, lâu dài. Chúng tôi mong sẽ có nhiều mô hình hơn nữa để được học hỏi các kiến thức, kỹ thuật mới, cách làm mới về áp dụng tại địa phương.”

Tin tưởng với sự nhiệt tình của bà con, sự sát sao của cán bộ chỉ đạo cũng như các xã thực hiện mô hình sẽ cho năng suất và sản lượng cao nhất./.

Thu Hiền

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa