Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng hiện nay được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Gò Công. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Tiền Giang thực hiện mô hình áp dụng giải pháp kỹ thuật tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân canh tác măng tây xanh tại ấp Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công với diện tích 1.000 m2.

Giống măng tây được trồng trong mô hình là giống măng tây xanh Mary Washington, lai F1. Đây là giống cho năng suất và chất lượng cao, dễ thích nghi nhiều loại đất, sinh trưởng và phát triển tốt, được thị trường rất ưa chuộng. Đất trồng măng tây thích hợp là các loại đất phù sa, đất đỏ, đất xám, đất thịt pha cát, đất có độ tơi xốp cao thoát nước tốt, đất có tầng canh tác từ 30-40 cm, độ ẩm đất trung bình 65-75%, PH từ 6,6 đến 7,0.

Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ theo hình thức đối ứng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ cây giống, phân bón, công kỹ thuật…, phần còn lại cho nông dân tự đối ứng (với kinh phí khoảng 30 triệu đồng). Cây măng tây được gieo hạt trong bầu sau từ 2-3 tháng, chiều cao cây đạt 25-30 cm, thân cây có 1-2 nhánh, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn đem trồng. Mật độ trồng 1.800-2.000 cây/1000 m2.

Các đại biểu thăm mô hình măng tây áp dụng giải pháp kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại Việt Hùng, xã Long Hòa, thị xã Gò Công

 

Theo anh Lê Phước Phong, nông dân tham gia mô hình cho biết: măng tây cho thu hoạch từ tháng thứ 6, định kỳ 1 tháng thu hoạch 1 tháng nghỉ để cho cây tập trung dinh dưỡng và thay thế cây măng bố mẹ để măng tây non được đảm bảo chất lượng cho đợt thu hoạch tiếp theo, thời gian thu hoạch có thể từ 7 đến 10 năm, sản lượng thu hoạch  đạt 540 kg (trung bình đạt 90 kg/tháng). Với giá bán măng tây loại 1 là 50.000-70.000 đồng/kg, với chi phí đầu từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công lao động và phân bón, cho doanh thu từ 27-32,4 triệu đồng/1000 m2  (6 tháng thu hoạch). Với chi phí đầu tư cho 1000 m2 khoảng 40-50 triệu đồng, nếu thực hiện chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, kiểm soát sâu bệnh hại tốt sau khi trồng 2 năm sẽ cho lợi nhuận cao sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu.

Theo anh Phong cho biết thêm, cây măng tây phù hợp với vùng đất thịt pha cát, thoát nước tốt, nhu cầu dinh dưỡng cho cây măng tây cũng thấp, chu kỳ bón phân từ 7 đến 15 ngày bón 1 lần. Cây măng tây ít sâu bệnh nhưng cần chú ý sâu đất hoạt động về đêm, trong thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm vườn măng tây bị sâu đất gây hại vào ban đêm hơn 50%.

Ông Bùi Công Minh - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công phụ trách mô hình cho biết: “Mô hình trồng măng tây của anh Lê Phước Phong cho hiệu quả kinh tế khá tốt, ít sâu bệnh. Hiện tại mô hình đang trong giai đoạn thu hoạch năm thứ nhất và măng tây thương phẩm có đầu ra ổn định. Việc mạnh dạn trồng thử nghiệm măng tây ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở các huyện phía Đông ven biển Gò Công, cụ thể là thị xã Gò Công đã tạo bước đột phá trong việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Cây măng tây là cây trồng tiềm năng cho vùng đất nhiễm phèn mặn đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị”.

Dương Phát Thịnh

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công, Tiền Giang