Vì vậy, vụ lúa Hè Thu năm 2020, diện tích xuống giống của huyện Vũng Liêm chỉ còn 10.828 ha, giảm 1.080 ha. Nguyên nhân những diện tích xuống giống gặp nhiều bất lợi do hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài cũng đã làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất và thu nhập của người nông dân.

Mặc dù, các ban ngành chuyên môn có cung cấp thông tin dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2019 – 2020, nhưng nông dân còn bỡ ngỡ và chưa biết áp dụng biện pháp canh tác hay giải pháp nào để thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế được thiệt hại mà vẫn đảm bảo về năng suất. Do đó, để hạn chế tác hại của hạn hán xâm nhập mặn trên cây lúa trong vụ Hè Thu, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện mô hình “Thích ứng với biến đổi khí hậu hạn hán, xâm nhập mặn trên cây lúa” trong Vụ lúa Hè Thu năm 2020 ở xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm.

Mô hình được thực hiện tại ấp sở ấp 8, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm với diện tích trình diễn là 1,0 ha, trên giống lúa OM 5451 với mật độ sạ là 120 kg/ha. Mô hình thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020. Tham gia mô hình nông dân trong vùng được tập huấn các chuyên đề phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa; Kết hợp với thực tế đồng ruộng điều tra hệ sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và kiểm tra độ mặn trong kênh nội đồng khu vực thực hiện mô hình trình diễn. Bên cạnh đó, tham gia mô hình trình diễn nông dân được hỗ trợ 50% lúa giống, 50% thiết bị đo độ mặn, vật tư thiết yếu (phân bón lá và chất kích kháng) để xây dựng mô hình; được tập huấn kỹ thuật canh tác.

Theo ghi nhận vụ Hè Thu năm 2020 ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, nông dân xuống giống trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn diễn ra gay gắt nên sau khi xuống giống 10 ngày, 30-50% giống bị chết, có hộ còn bị chết đến 80 – 90% số giống đã xuống. Vì vậy, nông dân phải tốn thêm chi phí mua giống và cấy dặm. Bên cạnh đó, do xâm nhập mặn kéo dài nên phải đóng các cống làm cho kênh nội đồng thiếu nước, nông dân phải tốn chi phí để bơm nước lên ruộng. Mặc dù, ruộng trong mô hình cũng bị ảnh hưởng nhưng tỷ lệ giống chết thấp (chỉ 10%) do được áp dụng biện pháp làm đất và xử lý đất bằng vôi (500 kg/ha). Ngoài ra, ruộng trong mô hình còn tăng cường sử dụng các sản phẩm có hoạt chất Brassinosteroids giúp giải độc mặn cho cây lúa nên bộ rễ hồi phục trở lại và tăng khả năng đẻ nhánh, duy trì được số chồi và số bông tối đa trên ruộng.

Mô hình thu hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng ngoài mô hình. Cụ thể, năng suất ruộng trong mô hình đạt 6,1 tấn/ha; ruộng ngoài mô hình đạt 5,6 tấn/ha. Lợi nhuận của mô hình là 16.388.000 triệu đồng/ha, ngoài mô hình 11.914.000 triệu đồng/ha. Giá thành sản xuất 1 kg lúa trong mô hình là 3.113 đồng và  ngoài mô hình là 3.665 đồng, chênh lệch 552 đồng/kg.

Ruộng mô hình tại ấp sở ấp 8, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm 

 

Qua thời gian thực hiện mô hình, nông dân thấy được việc xuống giống theo lịch của địa phương và ngành chuyên môn giúp hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, nông dân cũng thấy được kỹ thuật làm đất và xử lý đất canh tác lúa rất quan trọng, góp phần giảm được thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn. Nông dân cũng được hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV cần dựa vào điều kiện cụ thể của đồng ruộng, dựa vào mối tương tác giữa thiên địch và dịch hại và yếu tố môi trường, dựa vào kiến thức mà nông dân được tập huấn để đưa ra quyết định tốt nhất nhằm tiết kiệm chi phí, bảo tồn được thiên địch, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, thay đổi được nhận thức bỏ thói quen sử dụng thuốc BVTV định kỳ.

Thông qua tập huấn và thực hiện mô hình đã giúp nông dân trong vùng canh tác lúa có nhiều cơ hội gặp gỡ, họp nhóm cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm, được bồi dưỡng kiến thức, qua đó giúp người dân tự tin và chủ động trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Tô Huỳnh Như

Trạm Trồng Trọt và BVTV Vũng Liêm, Vĩnh Long