Các mô hình nhân rộng đó là: Mô hình thâm canh lạc trong vụ đông xuân 2013-2014 được xây dựng tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, với quy mô 50 ha, 94 hộ tham gia, sử dụng giống lạc HL25; Mô hình thâm canh lạc trong vụ thu năm 2014, được xây dựng tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, với quy mô 38 ha, với 279 hộ tham gia, trồng giống lạc L14.

Mô hình đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật thâm canh lạc như: chọn giống gieo trồng, làm đất, tưới nước, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo phương thức IPM....

Điểm nhấn trong những biện pháp kỹ thuật thâm canh lạc được chuyển giao cho nông dân là thực hiện bón phân thích hợp cho cây lạc để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Các công thức bón phân (định lượng cho 1 ha) được áp dụng đó là:

Công thức 1: Phân hữu cơ mụn dừa 1,5 tấn, vôi bột 400 kg, wegh 20 lít; 

Công thức 2: Phân hữu cơ vi sinh 400 kg, vôi bột 300 kg, vôi hạt 200 kg, lân 400 kg, kali 140 kg, đạm urê 40 kg, wegh 16 lít;

Công thức 3: Phân chuồng hoai mục 8 tấn, vôi bột 500 kg, NPK 16.16.8.13S 200 kg, ure 60 kg, wegh 20 lít.

Đối chứng là công thức bón phân mà lâu nay nông dân địa phương vẫn áp dụng: phân chuồng hoai mục 8.000 kg, vôi bột 500 kg, lân 400 kg, phân hỗn hợp NPK (16.16.8.13S) 200 kg.

Kết quả cho thấy: cây lạc trên những diện tích làm mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh không đáng kể, số quả chắc/cây cao hơn bình thường, năng suất đạt 39-40 tạ/ha, cao hơn so với ruộng bón phân theo công thức đối chứng 4-5 tạ/ha; lãi 1 ha ruộng mô hình từ 51,9-55,0 triệu đồng, cao hơn so với bón phân theo đối chứng khoảng 10 triệu đồng/ha. Hội thảo đánh giá các công thức bón phân áp dụng trong mô hình đều thích hợp với đặc điểm và đặc tính đất trồng lạc tại địa phương, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao thành công của mô hình và sẽ phổ biến nhân rộng mô hình vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trồng lạc tại địa phương trong thời gian tới.

 

                                                                     Trần Duy Khả

                                                                               Trung tâm KNKN Bình Định