Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đây là hội nghị hồ tiêu lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm tại các nước thành viên của IPC. Năm nay, Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị IPC 47 và là lần thứ 3 Việt Nam giữ vai trò chủ nhà kể từ khi gia nhập IPC vào năm 2005. Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp, các nhà xuất nhập khẩu, nông dân và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hồ tiêu sẽ có cơ hội chia sẻ thông tin, thúc đấy các mối quan tâm đối với việc phát triển ngành hồ tiêu thế giới.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, đại diện các cục, vụ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu, thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các tổ chức quốc tế trong ngành hồ tiêu và gia vị, cùng gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 25 quốc gia thành viên IPC. Đặc biệt có khoảng 60 nông dân từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai của Việt Nam đã đến dự. Nông dân Phạm Xuân Lý, xã Thiện Hưng, Bù Đốp, Bình Phước vinh dự được nhận giải thưởng của IPC 47.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh trao giải thưởng cho nông dân, doanh nghiệp các nước sản xuất hồ tiêu giỏi

Theo VPA, Hội nghị IPC lần thứ 47 diễn ra trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng khó kiểm soát, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, giá cả diễn biến khó lường.

Năm 2001, Việt Nam chỉ có hơn 35.000 ha hồ tiêu thì đến năm 2018 đã tăng lên 149.000 ha, tăng khoảng 400% diện tích, chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Hồ tiêu được trồng chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, với khoảng 200 nghìn hộ nông dân trồng hồ tiêu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong những năm qua, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu gần 250 nghìn tấn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu của Việt Nam cũng như các nước thành viên IPC đang đứng trước 2 thách thức lớn về chất lượng và biến động giá cả. Theo đó, các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với các yêu cầu mới. Về giá cả, giá hồ tiêu thế giới liên tục sụt giảm do diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh giai đoạn 2008-2014.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và đại biểu tham gian hàng trưng bày sản phẩm hồ tiêu tại hội nghị.

Chương trình Hội nghị kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14/11, tập trung thảo luận những vấn đề liên quan tới việc nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm hồ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu thông qua các phiên thảo luận: Hội nghị các nhà xuất khẩu; Hội nghị về kỹ thuật; Hội nghị các nhà xuất, nhập khẩu; Triển lãm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực hồ tiêu. Đồng thời, Ban tổ chức cũng đưa các đoàn đại biểu quốc tế tham quan, khảo sát thực tế những mô hình trồng tiêu tiêu biểu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia