Tuy nhiên ở một số địa phương, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác mới còn chậm, người dân còn quen với tập quán canh tác cũ, nhiều kỹ thuật chưa được cập nhật và chưa ứng dụng kịp thời ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

Trong thời gian 02 ngày (từ ngày 27-28/11/2019), tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Lào Cai tổ chức lớp tập huấn “ Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật canh tác trên đất dốc bền vững” cho 31 học viên là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện và khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông tỉnh Lào Cai.

Tại lớp tập huấn, học viên đã được các giảng viên là các cán bộ của Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cũng là nhóm tác giả biên soạn tài liệu “Kỹ thuật canh tác trên đất dốc bền vững” chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế về các nội dung xói mòn đất, nông lâm kết hợp trến đất dốc, các nguyên lý trong sản xuất cây ngắn ngày bền vững, kỹ thuật sản xuất nông lâm kết hợp cho một số cây trồng thông dụng vùng miền núi phía Bắc.

Học viên tham quan mô hình canh tác trên đất dốc

Các học viên thảo luận nhóm về lựa chọn cây trồng để đưa vào hệ thống canh tác tại địa phương dựa trên bảng đánh giá các tiêu chí như sự phù hợp của cây trồng đối với điều kiện địa phương, cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, giá thành cao,…  đặc biệt là có thị trường tiêu thụ tố. Đây là các yếu tố quan trọng mà các cán bộ khuyến nông cần lưu ý khi tư vấn cho người nông dân trồng cây gì.

Trong hàng loạt các cây trồng mà học viên đã liệt kê đang trồng phổ biến tại địa phương như: cây quế, cây keo, cây chè, cây ngô, cây bưởi, cây quýt Mường Khương, cây mận Bắc Hà, cây dứa, cây thảo quả, cây mắc ca, cây măng Sặt, cây hồng giòn, cây lê VH6, cây sa nhân,… các học viên đã đánh giá và cho điểm, lựa chọn và đưa ra cây trồng một số cây trồng đạt số điểm cao nhất như: cây mận Bắc Hà, cây quýt Mường Khương, cây ngô, cây sa nhân,…

Bên cạnh đó các học viên cũng thảo luận về lịch thời vụ, về các giải pháp chống xói mòn để đưa ra công thức luân canh phù hợp và các giải pháp chống xói mòn hiệu quả, cách tính toán lượng đất mất đi do xói mòn.

Ngoài kiến thức về kỹ thuật canh tác trên đất dốc bền vững, học viên còn được trang bị các phương pháp và kỹ năng tập huấn khuyến nông.

Sau khóa tập huấn, học viên nắm vững các tiến bộ kỹ thuật canh tác trên đất dốc để truyền đạt, hướng dẫn bà con cách lựa chọn cây trồng, cách bố trí cây trồng trong công thức luân canh phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia