Đối với người dân

Không cần tích trữ hoặc dự trữ quá mức lương thực thực phẩm tại nhà. COVID-19 không gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lương thực.

Mua sắm hợp lý – mua quá nhiều thực phẩm tươi sống một lúc thì bạn sẽ không kịp ăn hết trước khi chúng bị hư hỏng, gây lãng phí thực phẩm và tiền bạc của bạn.

Không có bằng chứng cho thấy virus corona lây truyền qua thực phẩm, do đó không nên ngừng chế độ dinh dưỡng cho bản thân và gia đình bạn. Hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bằng thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đã chế biến được đóng gói đúng quy cách. Vào những thời điểm căng thẳng, bạn càng cần phải giữ cơ thể khỏe mạnh.

Rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm ở nhà, rửa kỹ thực phẩm trước khi nấu nướng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh và nấu ăn trong gia đình.

Cần lưu ý, tất cả những người sản xuất và cung cấp thực phẩm ra thị trường như nông và ngư dân sản xuất nhỏ, lái xe, nhân viên nhà kho, người làm việc tại các chợ và siêu thị đều là những anh hùng trong đại dịch này. Hãy tri ân họ. 

Mua thực phẩm từ các cơ sở kinh doanh và cửa hàng nhỏ để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nếu bạn có cơ hội, hãy san sẻ thực phẩm của mình hoặc hỗ trợ ngân hàng thực phẩm, các nhóm cộng đồng hoặc tổ chức từ thiện để cung cấp thực phẩm miễn phí cho những người dễ bị tổn thương. Cùng chung tay giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau là nghĩa cử cao đẹp trong thời điểm khủng hoảng này. 

Đối với các nhà hoạch định chính sách

Dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cần có chính sách ứng phó phù hợp về y tế công cộng cũng như tiếp cận thực phẩm đủ dinh dưỡng với giá cả hợp lý cho tất cả người dân Việt Nam.

Các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nhà nước và khối tư nhân tại Việt Nam nên liên kết để đảm bảo cho các chuỗi cung ứng thực phẩm được điều phối và vận hành hiệu quả.

Giá cả, sản lượng, mức tiêu thụ và lượng dự trữ của thị trường nên được thông tin một cách minh bạch đến mọi người dân. Điều này sẽ giảm thiểu những bất ổn của thị trường; ổn định tâm lý người mua cũng như người bán. 

Cần đảm bảo cung ứng nông sản thông suốt cả trong nước và quốc tế thay vì hạn chế thương mại hoặc đưa ra các quy tắc gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa. Bất kỳ đứt gãy nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm do bất cập về chính sách cũng sẽ gây khó khăn hơn cho cuộc sống con người.

Chính quyền địa phương cần đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn cho con người và an toàn thực phẩm như sau:

Thực hiện giãn cách giữa những người bán hàng.

Đảm bảo các điểm bán có đủ không gian đi lại; xác định rõ lối ra và lối vào cho khách hàng.

Bố trí không gian riêng biệt cho thực phẩm có nguồn gốc thực vật (trái cây, rau), động vật (thịt, cá) và thực phẩm khô (như gạo, đậu).

Cung cấp đủ nước sạch, đá sạch và các trang bị vệ sinh môi trường.

Vệ sinh các khu vực bán lẻ, nhà kho, thùng lạnh, các phương tiện vận chuyển thực phẩm (xe tải, xe bán tải).

Người bán hàng, sơ chế, vận chuyển và tất cả những người khác tham gia vào khâu bán lẻ thực phẩm cần nắm rõ các yêu cầu về rửa tay, sử dụng chất sát trùng.

Theo FAO