Các khách mời tham gia buổi tọa đàm

 

Tham dự buổi toạ đàm có ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây Lương thực - Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên trang Danviet.vn và các Fanpage: danviet.vn; Nhà nông Dân Việt…

Ngành sản xuất thức ăn công nghiệp (TĂCN) ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13 - 15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nguyên liệu TĂCN trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam chi 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả. Vậy, làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên phụ liệu này, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả? Những câu hỏi đó là những nội dung chính được bàn luận trong buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mỗi năm chúng ta cần 32 - 33 triệu tấn TĂCN các loại, trong đó hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu phối trộn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; còn lại sản lượng 26 triệu tấn (bao gồm cả TĂCN và thủy sản) là do các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là ngành TĂCN còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Chúng ta chủ yếu nhập cám ngô, đậu tương, khô dầu… Hiện bà con đã chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, theo mục tiêu sẽ có 500.000 ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô sinh khối để có thể chủ động hơn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất TĂCN.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, những tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi. Câu chuyện về giá thức ăn tăng liên tục đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Theo tính toán của hiệp hội, từ tháng 7/2020 đến nay, giá một số nguyên liệu thức ăn tăng từ 30 - 45%, kéo theo giá thức ăn thành phẩm cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây Lương thực - Cục Trồng trọt cho rằng: Hiện tổng diện tích trồng ngô ở Việt Nam dao động từ 900 - 1.100 nghìn ha. Trong thời gian qua, diện tích trồng ngô giảm đáng kể, nguyên nhân là do: giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, năng suất chưa cao nên lợi nhuận trong sản xuất ngô hạn chế. Diện tích trồng tập trung ở trung du miền núi phía Bắc (khoảng 430 nghìn ha), riêng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 30 nghìn ha.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tổng đàn bò thịt là 6,3 triệu con, bò sữa là 331.000 con. Trong khi đó thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước chỉ đạt 450 nghìn tấn, đáp ứng 30% so với nhu cầu thức ăn đại gia súc hiện nay. Vì vậy, việc trồng cây ngô, cỏ chất lượng cao để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò là rất quan trọng.

Thời gian qua, việc trồng ngô sinh khối được nhiều địa phương quan tâm. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các dự án về trồng ngô sinh khối tại Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Dự án đã đưa ra gói kỹ thuật, hướng dẫn từ quy trình chăm sóc đến chế biến, chuẩn bị tốt thức ăn thô xanh cho đàn gia súc vào mùa đông. Từ trồng ngô sinh khối đã giảm chi phí chăn nuôi, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn tại chỗ. Hiện nay, bà con nông dân đã tiếp cận rất tốt với những kỹ thuật này. Bà Hạnh cũng chia sẻ, để phát triển, nhân rộng diện tích trồng ngô sinh khối, ngoài các dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các địa phương cần ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ nông dân trồng ngô sinh khối, tạo thành các tổ, nhóm để sản xuất hiệu quả hơn.

Trao đổi về vấn đề xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, bà Hạnh nhấn mạnh, phế phụ phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài rơm, có thể thu được một số phế phụ phẩm từ việc thu gom, phân loại, sản phẩm đệm lót sau chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng hoặc các phế phẩm của nhà máy giết mổ như lông, tiết… Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm chăn nuôi. Hiện nay thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản phẩm, nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại rất hiệu quả cho ngành nông nghiệp.

Bà Hạnh lưu ý, để chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành, bên cạnh việc chuẩn bị tốt nguồn thức ăn, nông dân cần làm tốt vấn đề thú y, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc-xin giúp cho đàn vật nuôi tránh được dịch bệnh, đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi.

Thúy Hiên