Tham dự Hội nghị có đại diện của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; đại diện một số doanh nghiệp có chuỗi khép kín, có liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi; đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ; đại diện của một số cơ quan truyền thông.

Hội nghị đã nghe các báo cáo của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thuộc Đề án thí điểm, đại diện một số doanh nghiệp và ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị liên quan.

Qua báo cáo cho thấy, việc thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả quan trọng như: (1) Xây dựng thành công nhiều cơ sở an toàn dịch bệnh (bao gồm nhiều trang trại và đơn vị cấp xã) và hình thành 02 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; (2) Xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà chế biến được chấp nhận xuất khẩu sang Nhật Bản từ tháng 6/2017; (3) Hiện đang chủ động, tích cực hoàn thiện chuỗi sản xuất trứng gà giống để xuất khẩu sang My-an-ma, cũng như đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khác có các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã báo cáo kế hoạch và đề nghị Cục Thú y và các cơ quan chuyên môn của địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hiệu quả hơn, hình thành được các chuỗi sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Kết luận hội nghị, thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao các kết quả của đề án và cần nhân rộng những hoạt động đó trong phạm vi cả nước. Thứ trưởng đề nghị Cục Thú y sớm ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục cần thiết để các doanh nghiệp có thể xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Ngoài sản phẩm gia cầm, cần nhân rộng xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh với các đối tượng khác. Với 5 địa phương thực hiện dự án, Sở NN cần tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn kinh phí để triển khai nhân rộng vùng an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện để kết nối các vùng an toàn dịch bệnh với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩn chăn nuôi cần tìm kiếm đối tác, đăng kí với Cục Thú y để được hướng dẫn, xây dựng và hoàn thiện thủ tục.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia