Tham dự hội thảo có 135 đại biểu là đại diện của Cục Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An; Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, 25 doanh nghiệp phía Nam về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, hơn 10 đơn vị báo chí, truyền thông trung ương và địa phương. TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự và chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, từ năm 2009- 2016, ngành chăn nuôi thú y đã có 72 tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Trong đó có 38 tiến bộ kỹ thuật về giống cho các đối tượng lợn, gà, vịt, ngan, ngan lai vịt và ong tằm; 5 tiến bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất và chế phẩm sinh học; 7 tiến bộ kỹ thuật về quy trình xử lý Biogas và các mẫu công trình khí sinh học; 22 tiến bộ kỹ thuật về quy trình chăn nuôi và các công nghệ khác.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông qua 09 báo cáo tham luận với nội dung: Các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi phục vụ sản xuất tại các tỉnh thành phía Nam; Tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi và kinh nghiệm phòng chống dịch tả heo (lợn) Châu Phi tại Công ty CP Việt Nam; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và giải pháp truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi tại Đồng Nai; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và sử dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn chăn nuôi; Truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng và quản lý đàn trong chăn nuôi; Hiệp định CPTPP- Cơ hội và thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam….. Đồng thời, Ban chủ tọa cũng tiếp nhận ý kiến chia sẻ, trao đổi của các doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên tập trung vào chủ đề hội thảo và chính sách hỗ trợ của ngành chăn nuôi đối với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Ban chủ tọa hội thảo

Kết luận hội thảo, TS. Hạ Thúy Hạnh đã đưa ra một số kiến nghị đối với các đơn vị, đại biểu tham dự:

- Đối với Cục chăn nuôi: Sớm ban hành các thông tư, nghị định sau Luật Chăn nuôi, hướng dẫn về chuỗi chăn nuôi từ công tác giống, thức ăn, dinh dưỡng, vận chuyển chăn nuôi, giết mổ; Hỗ trợ và sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi, ứng dụng công nghệ mới và các tiêu chuẩn Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn GlobalGAP.

- Các Hiệp hội chăn nuôi: Tiếp tục hỗ trợ cho khuyến nông cả nước, người chăn nuôi thông qua đội ngũ khuyến nông địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi chuyển giao những công nghệ mới; hỗ trợ, thành lập hợp tác xã chăn nuôi, các liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.

- Đối với các Doanh nghiệp: Mong muốn các Doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng, nhập các công nghệ mới để có thể áp dụng ngay vào chăn nuôi, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp thực hiện Nghị định 57 về hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện Luật chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới được ban hành năm 2017.

- Các đơn vị nghiên cứu, trường Đại học: Tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam; tài liệu hóa các kỹ thuật mới có thể áp dụng vào thực tế chăn nuôi, đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long; liên kết chặt chẽ hơn nữa với hệ thống khuyến nông các tỉnh làm sao đưa những tài liệu đã được nghiên cứu và công nhận vào quá trình chăn nuôi.

- Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Tiếp tục chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn người chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAP; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thực hiện VietGAP trong chăn nuôi; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo kỹ thuật công nghệ mới và hướng dẫn, khắc phục, thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, thay vào đó là thực hiện ghi chép trong sản xuất để hướng tới vấn đề truy xuất nguồn gốc.

- Người chăn nuôi: Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy hoạch chăn nuôi của địa phương, thực hiện tốt chăn nuôi theo phúc lợi động vật, xử lý môi trường, các vấn đề liên quan truy xuất nguồn gốc chăn nuôi.

- Đối với cơ quan báo, đài: Tiếp tục đưa tin các tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật người dân có thể áp dụng trong chăn nuôi.

Riêng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật cho từng mô hình khuyến nông để các địa phương có thể áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi hiện đại; tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa tài liệu về chăn nuôi để áp dụng công nghệ mới…

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc TTKNQG phát biểu kết luận hội nghị

Trong chương trình của hội thảo, chiều ngày 11/12, các đại biểu đã được đi tham quan học tập tại Nhà máy sản xuất cám của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh Bình Dương.

Các đại biểu tham quan Nhà máy sản xuất cám của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh Bình Dương

Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia