Đồng thời hệ thống khuyến nông của tỉnh đã tổ chức tập huấn sản xuất mùa vụ (vụ xuân, vụ mùa, vụ đông) cho cán bộ chuyên môn của huyện, xã và người nông dân được 5.223 lớp, với 258.812 lượt người tham gia.

Bằng phương pháp trao đổi, tương tác hai chiều giữa giảng viên và học viên, đã trang bị cho các học viên những tiến bộ kỹ thuật mới như: kỹ thuật chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh; kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt; kỹ thuật trồng, thâm canh cây ăn quả có múi; kỹ thuật nuôi vỗ béo trâu, bò... Bên cạnh đó, các học viên còn được đi tham quan và học tập kinh nghiệm thực tiễn tại các mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt điển hình trên địa bàn tỉnh.

Lớp tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa


Các lớp tập huấn không chỉ cung cấp các kiến thức về tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp của Nhà nước và của tỉnh mà còn trang bị thêm cho cán bộ, nông dân những kỹ năng về xây dựng, lập kế hoạch phát triển sản xuất; kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã chú trọng đổi mới các hình thức tập huấn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững để tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết: Các thành viên của Hợp tác xã sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu bò thịt do Trung tâm Khuyến nông tổ chức và được giới thiệu liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo. Năm  2018, Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng chăn nuôi tổng số trên 300 con trâu, bò, mỗi lứa nuôi từ 2,5 đến 3 tháng được xuất bán, trung bình mỗi con lãi từ 3 - 5 triệu đồng. Hiện hợp tác xã đang tiếp tục nuôi trâu, bò thịt vỗ béo lứa 4 với gần 100 con. 

Theo ông Lê Hải Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông cho biết: Năng lực cán bộ được xem là thước đo chất lượng và tiến độ công việc mà người đó phụ trách, cán bộ khuyến nông rất cần những người có tâm, có tài, nhạy bén, năng động, hiểu biết rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, với đòi hỏi cấp thiết của thực tế sản xuất thì mỗi cán bộ khuyến nông là một cầu nối giúp người nông dân gắn kết với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, ngân hàng trong đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công tác đào tập huấn cũng được đổi mới từ hình thức cầm tay chỉ việc đến ứng dụng các hình ảnh, video clip mô tả thực tế sản xuất và tham quan thực hành tại các mô hình điển hình của địa phương.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên và các hộ nông dân là một nhiệm vụ quan trọng được xác định trong kế hoạch công tác hàng năm. Thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cơ sở nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến nông cơ sở thực sự có năng lực, biết giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, việc đào tạo cán bộ, cộng tác viên cơ sở qua hoạt động thực tiễn cũng cần được quan tâm đào tạo thường xuyên và liên tục./.

Trần Thị Thường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang