Theo đó, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, trên hai mẫu (máu kháng đông) trên đàn lợn của hộ ông Nguyễn Văn Tiễn (ngụ ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, ngày 1/7/2019, đàn lợn 54 con, gồm 7 nái và lợn thịt, lợn con có biểu hiện mắc bệnh và chết hai con lợn nái. Gia đình và cơ quan thú y địa phương đã tiến hành chôn số lợn này và lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Bến Tre, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã khẩn trương thực hiện các giải pháp theo kịch bản phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã xây dựng trước đó.

Cụ thể, ngay trong sáng 2/7, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, đồng thời tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình ông Tiễn.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Bến Tre

Phó Chủ tịch UBND  huyện Giồng Trôm Phạm Tấn Lễ cho hay, địa phương tiến hành lập 5 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật trên cạn tại vùng xảy ra dịch tả lợn lợn châu Phi và ban hành quyết định công bố dịch. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng một lần/ngày tại vùng dịch, 3 lần/tuần tại các  xã lân cận; cử cán bộ, lực lượng tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh, thống kê tổng đàn ở các ấp để có giải pháp ứng phó.

Tại xã xảy ra dịch thực hiện nghiêm chế độ báo cáo mỗi ngày 2 lần, năm xã lân cận báo cáo mỗi ngày một lần về tình hình ứng phó, phòng chống dịch. Riêng 5 xã lân cận có nguy cơ lây lan, sẽ tiến hành các giải pháp cấp bách để ứng phó.

Như vậy, tính đến sáng 2/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 61 tỉnh, thành trên cả nước, số lợn phải tiêu hủy là hơn 2,84 triệu con, chiếm hơn 10,3% tổng đàn./.

Theo TTXVN