Hiện tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh đều xuất hiện các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; trong đó, Quỳnh Phụ là huyện có số xã xuất hiện bệnh nhiều nhất với 23 thôn thuộc 10 xã có dịch.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho thấy, đến nay, dịch bệnh đã phát sinh tại 152 hộ, 81 thôn thuộc 36 xã, 8 huyện, thành phố trên địa bàn. Huyện Đông Hưng là địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình thực hiện công bố dịch bệnh viêm da nổi cục tại xã Hồng Giang (huyện Đông Hưng).

Số bò ốm trên địa bàn toàn tỉnh là 254 con, đã thực hiện tiêu hủy 9 con bò, bê chết do nhiễm vi-rút viêm da nổi cục với tổng trọng lượng trên 1.300 kg. Đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng 2.040 lít hóa chất và trên 27.000 kg vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch viêm da nổi cục.

Nhận định nguy cơ dịch bệnh còn tiếp tục gia tăng, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định xử lý ổ dịch, công bố dịch và tổ chức chống dịch trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo Luật Thú y.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có nhiều diễn biến phức tạp. Dịch bệnh có xu hướng lây lan nhanh trong khoảng 10 ngày trở lại đây, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường, mưa ẩm khiến các nhân tố trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng phát triển mạnh.

Ghi nhận số trâu, bò ốm không ngừng tăng. Tính riêng trong ngày 1/4 dịch bệnh đã phát sinh thêm tại 10 hộ (trong đó có 2 hộ đã phát sinh dịch trước đó và 8 hộ mới) thuộc 7 xã với 12 con bò, bê ốm, tiêu hủy 1 con bò bị bệnh chết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ điều trị cho trâu bò mắc bệnh cũng không có nhiều dấu hiệu khả quan. Đến nay mới có 11 con trong tổng số 254 con bò mắc bệnh được điều trị khỏi.

TTXVN