Tháng 6/2019, đàn lợn gần 400 con (mỗi con đạt trọng lượng trên dưới 70kg) của gia đình anh Hoàng Văn Phúc, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Theo tính toán của anh Phúc, số lợn trên anh đã nuôi được 3 tháng, tiền cám cho 1 con hết khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi con lợn giống lúc anh mua có giá 1 triệu đồng. Việc tiêu hủy 400 con lợn khiến anh mất trắng 1 tỷ đồng.

Lợn mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, lâm vào cảnh nợ nần, không còn vốn tiếp tục tái đàn. Đó là tình cảnh chung của hàng nghìn người dân ở “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai. Riêng tại huyện Thống Nhất, trước khi dịch xuất hiện, đàn lợn của huyện là trên 580.000 con, nhưng nay chỉ còn khoảng 280.000 con.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, do dịch tả lợn châu Phi, đến nay, Đồng Nai phải tiêu hủy hơn 300.000 con lợn của trên 3.000 hộ. Việc tiêu hủy phải sử dụng quỹ đất lớn, trong tương lai sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trước khi dịch xuất hiện, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 2,5 triệu con lợn, nhưng nay chỉ còn 1,9 triệu con.

Theo Ban chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai, dịch tả lợn châu Phi khiến ngành chăn nuôi của địa phương thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh Đồng Nai có 1.700 trang trại, trong đó có hơn 670 nhiễm dịch, phải ngưng chăn nuôi. Nhằm hỗ trợ người nuôi lợn, các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai đang hoàn thiện hồ sơ, tới đây sẽ chi tiền hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy.

Khó khăn mà Đồng Nai đang gặp phải là thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ. Khi dịch mới xuất hiện, tỉnh dự kiến sẽ chi khoảng 360 tỷ đồng để phục vụ việc phòng chống, hỗ trợ. Song, đến nay dịch lây lan nhanh, số lợn phải tiêu huỷ vượt xa dự tính của địa phương, ngân sách dự phòng của tỉnh đang thiếu hụt rất lớn, cần Trung ương hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng./.

Theo TTXVN