Thực hiện Công văn số 3473/BNN – TY ngày 26/5/2020 của Bộ Nông nghiệp  và PTNT về việc tập trung kiểm soát bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát và lây lan diện rộng. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay bệnh DTLCP đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố (trong đó có các tỉnh giáp danh với Hà Giang như Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai…), buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Nhằm khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ DTLCP tái phát và lây lan vào địa bàn tỉnh, ngày 29/5/2020, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Công điện số 1661/CĐ – CTUBND về việc “Tập trung kiểm soát, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan vào địa bàn tỉnh”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

Đối với các huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Văn bản số 595/UBND – KTTH ngày 5/3/2020, Văn bản số 883/UBND – KTTH ngày 27/3/2020 và Văn bản số 1482/UBND – KTTH ngày 14/5/2020 với tinh thần không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan trên địa bàn.

Kiện toàn và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch giáp danh với các tỉnh bạn Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, gồm: Chốt Đồng Yên, Liên Hiệp (Bắc Quang), chốt Yên Thành (Quang Bình), chốt Làn Ma (Xín Mần), chốt Niêm Tòng (Mèo Vạc), chốt Yên Phong, Đường Âm (Bắc Mê) đảm bảo đủ các lực lượng gồm:  Công an, Quản lý thị trường, Thú y; tổ chức trực 24/24 giờ để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật; các chốt kiểm dịch có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn và khử trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật theo qui định.

Những trường hợp vận chuyển không đảm bảo theo qui định, giấy tờ tẩy xóa, sửa chữa kiên quyết xủ lý theo qui đnh và không cho phép nhập vào địa bàn tỉnh, đồng thời thông báo cho các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thú y các huyện, thành phố biết nếu chủ phương tiện cố tình vận chuyển vào địa bàn tỉnh để phối hợp xử lý kịp thời. Chỗ nào thực hiện không nghiêm túc để lọt phương tiện vận chuyển lợn vào địa bàn tỉnh thì toàn bộ ca trực chốt và Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Thành lập các tổ liên ngành lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn, đặc biệt là các đường sông, đường mòn…có thể vận chuyển lợn trái phép vào địa bàn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan ra diện rộng.

Đối với lợn từ các tỉnh khác nhập vào địa bàn Hà Giang với mục đích giết mổ, nuôi thương phẩm hoặc làm giống phải thực hiện theo đúng qui định tại Thông tư số 25/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6.2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT qui định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Hướng dẫn số 4249/HD – BNN – TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP; phải có bản sao kết quả xét nghiệm âm tính đối với bệnh DTLCP và còn hiệu lực (có đóng dấu sao của Chi cục nơi cấp giấy kiểm dịch hoặc công chứng).

Đối với các sở, ngành liên quan của tỉnh:

Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại các huyện, thành phố và hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật giáp danh với các tỉnh bạn đảm bảo không để bệnh DTLCP tái phát, lây lan vào địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc để tăng cường lực lượng cho các chốt, trạm. Đồng thời tăng cường lực lượng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm thịt lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tái phát, lây lan….

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang