Bệnh chết rũ Panama hại chuối do nấm Fusarium oxysporum f.sp.cubense tropic race 4 (Foc TR4) gây ra. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm gây hại cho chuối. Bệnh được phát hiện tại Đài Loan năm 1980, sau đó lây sang  Malaysia và Indonesia vào những năm 1990. Hiện, bệnh lây lan sang Trung Quốc, Philippin và Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất, chủng nấm gây hại trên cây chuối là chủng nấm gây hại phổ rộng trên tất cả các giống chuối và đặc biệt nguy hiểm vì bào tử nấm có thể sống, tồn tại trong đất lên tới 30 năm. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu phòng trừ. Bệnh lan truyền nhanh qua các con đường như giống, tàn dư cây bệnh, nguồn nước, đất, côn trùng… Bệnh có thể lây nhiễm và gây hại ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây chuối, tuy nhiên bệnh mẫn cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa.

Triệu trứng ban đầu là các mép lá vàng, sau lan hướng vào gân lá. Trên cây, các lá già bị nhiễm vàng trước, lá non vàng sau, gây ra hiện tượng lá chuối bị héo vàng, cuống gẫy, lá treo trên thân già, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Các lá già bị héo khô quanh thân giả, lá ngọn xanh và mọc thẳng, các lá héo úa. Cây bị chết nhưng thân không ngã đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc, các chồi con xung quanh vẫn phát triển nhưng sau đó cũng bị vàng héo. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch bị chuyển màu nâu. Cắt ngang củ chuối, các mạch củ có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi. Khi bị nhiễm bệnh, cây chuối không ra hoa được hoặc nếu có hoa thì buồng, quả nhỏ, phẩm chất kém, không có giá trị thương phẩm, bệnh nặng cây bị héo vàng và chết làm mất năng suất.

Triệu trứng ban đầu của bệnh là các mép lá vàng, sau lan hướng vào gân lá. 

Theo số liệu báo cáo nhanh của các huyện, thành phố năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 2.200 ha diện tích trồng chuối, tập trung ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Thành phố Lào Cai. Cây chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh rũ Panama hại chuối đã xuất hiện gây hại rải rác trên các vùng chuối tại các địa bàn trong tỉnh như: xã Bản Lầu (huyện Mường Khương), xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng), xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), xã Vạn Hòa (Tp. Lào Cai).

Để chủ động phòng chống bệnh héo rũ Panama hại chuối gây hại trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đề nghị:

UBND các huyện, thành phố có diện tích trồng chuối chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã rà soát, kiểm tra phát hiện diện tích chuối bị nhiễm bệnh, kịp thời xử lý không để lây lan ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chuối.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác quản lý giống, phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý giống cây trồng. Hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với các vườn bị nhiễm bệnh; không sử dụng các nguồn giống chuối bị nhiễm bệnh để trồng mở rộng diện tích. Khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh héo rũ Panama hại chuối trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị bệnh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về tác hại của bệnh héo rũ Panama hại chuối và các biện pháp phòng chống; hướng dẫn nhân dân luân canh, chuyển đổi cây trồng trên các diện tích trồng chuối bị nhiễm bệnh.

Theo snnptnt.laocai.gov.vn