Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sau khi có công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, tỉnh Quảng Bình đã sớm vào cuộc thực hiện công tác phòng dịch, như ban hành các công điện, công văn hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn… Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khẩn trương đưa ra các biện pháp cụ thể, kịp thời để phòng, ngừa dịch bệnh.

Cụ thể, Chi cục đã chủ động phân công cán bộ về cơ sở; thành lập đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là vùng có nguy cơ cao như huyện Lệ Thủy và Quảng Trạch. Đặc biệt, công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn đang được các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ, cơ sở chăn nuôi và các vùng nguy cơ cao, đặc biệt tập trung ở các điểm buôn bán động vật, sản phẩm động vật, các chợ kinh doanh… Cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi định kỳ, dùng vôi bột hoặc hóa chất khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh…

Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với cán bộ Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn

Bên cạnh đó, Chi cục cũng hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho cán bộ thú y các huyện, thành phố và thị xã tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại các địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu gửi để chẩn đoán, xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Các chốt kiểm soát dịch bệnh bắc, nam Quảng Bình cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu độc khử trùng các xe vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đi qua và nhập vào địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhiễm vào nước ta và có nguy cơ lây lan ra các tỉnh thành, công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Qua nắm bắt thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, trước trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ra các tỉnh, các chủ trang trại cần chủ động, kịp thời phát hiện dịch bệnh nếu có, đồng thời báp cáo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp phối hợp xử lý. Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có biện pháp bảo đảm lưu thông, bình ổn thị trường; tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép. 

Ngọc Lan