Tham dự hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình, diễn biến gây hại của sâu keo mùa Thu và các giải pháp phòng trừ. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tham luận sôi nổi, tích cực, qua đó đã đề xuất các giải pháp phòng trừ sâu keo mùa Thu có hiệu quả trong thời gian tới.

Sâu keo mùa Thu đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô vào tháng 4 năm 2019. Đây là loại sâu mới, có tính đa thực, khả năng di chuyển xa, khả năng sinh sản cao. Sâu keo mùa Thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả ngô, kê, mía, cây rau và bông…

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, loại sâu này đã xuất hiện tại tất cả các vùng trồng ngô trong tỉnh và trên tất cả các giống ngô, với mật độ gây hại khác nhau; tỷ lệ gây hại phổ biến từ 10-15%, cao 30%, cục bộ có nơi trên 80%. Riêng vụ ngô Xuân, diện tích bị nhiễm là hơn 406 ha; vụ Hè Thu đã có hơn 210 ha bị nhiễm, trong đó 26 ha bị nhiễm nặng.

Kết thúc hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương rà soát diện tích trồng ngô, thống kê diện tích bị nhiễm sâu để có kế hoạch phòng chống phù hợp; thực hiện các biện pháp phòng trừ tập trung, hiệu quả. Đồng thời phân công cán bộ bám sát cơ sở để chỉ đạo kịp thời khi có dịch xảy ra; tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng trừ sâu keo mùa Thu cho nông dân; tăng cường quản lý vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn việc bán thuốc không nằm trong danh mục tạm thời đối với sâu keo mùa Thu.

Nguyễn Trọng Minh

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa