Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên hệ thống đài truyền thanh của xã, thôn, bản nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng, người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ xảy ra dịch bệnh; mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi; cách nhận biết, phát hiện dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ đàn lợn tới tận thôn, xóm, bản, hộ chăn nuôi, đảm bảo phát hiện kịp thời ngay khi xuất hiện ổ dịch dịch bệnh, tổ chức xử lý triệt để không để dịch lây lan; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tổ chức hướng dẫn ứng phó khi có dịch (Ảnh minh họa: Văn Định)

Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, môi trường và các cơ sở giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và các sản phẩm động vật trên địa bàn. Các địa phương chỉ cho vận chuyển ra, vào địa bàn những gia súc, gia cầm đảm bảo khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh và còn miễn dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật hợp lệ theo quy định…

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 550.000 con lợn, vì vậy, tỉnh yêu cầu người chăn nuôi, các ngành liên quan cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để tránh tình trạng xâm nhiễm bệnh dịch, gây thiệt hại cho người chăn nuôi./.

TTXVN