Vợ chồng anh Võ Văn Đông và chị Bùi Thị Thu Mai ở đội 4, thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà đã có hơn 30 năm với nghề làm bánh tráng. Những ngày gần Tết, anh chị lại tất bật hơn với các mối đặt hàng từ Thành phố Quảng Ngãi.

Với nghề làm bánh tráng gia truyền của gia đình, chị Mai đã từng bước tạo dựng nghề nghiệp. Từ chỗ chỉ có một lò tráng bánh và sắm 20 chiếc vỉ phơi bánh, mỗi ngày chỉ thực hiện từ 10 - 20 kg gạo, đến nay, chị đã có hơn 100 vỉ bánh và mua máy xay bột để giảm bớt thời gian do công đoạn đi xay bột ở xa và thực hiện từ 35 - 40 kg gạo/ngày.

Chị Mai tâm sự: “Mỗi ngày vợ chồng tôi đều thức dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh và phơi bánh đến 3 giờ chiều thì sắp bánh vào bao đến các mối quen để giao hàng. Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi giao từ 1.400 - 1.500 bánh, thu về hơn 1 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 nghìn đồng”.

Chị Mai cũng cho biết: “Nghề này tuy vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, lại phải lo thời tiết mưa gió thất thường, nhưng bù lại nếu chăm chỉ, cần mẫn thì cũng đủ trang trải cho gia đình, nuôi con cái ăn học và dành dụm làm nhà cửa đàng hoàng”.

Mấy ngày cận Tết Nguyên đán, vợ chồng chị Mai tranh thủ dậy sớm hơn ngày thường để làm ra nhiều sản phẩm hơn vì nhu cầu tiêu thụ bánh tráng những ngày này rất cao nên sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán hết. Mặc dù, mồ hôi lấm tấm trên lưng áo, nhưng cả hai vợ chồng luôn nói cười giòn giã.

Anh Đông phơi bánh tráng phục vụ nhu cầu trong những ngày Tết cổ truyền

Cách nhà anh Đông chị Mai khoảng 500 mét là lò bánh tráng của bà Phạm Thị Đâ, ở đội 5, thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà. Đã hơn 12 giờ trưa nhưng bà Đây và các con cũng luôn tay xay bột, tráng bánh, phơi bánh và gỡ bánh cho vào bao để chuẩn bị chở đi giao cho các đại lý. Bà Đây năm nay đã 63 tuổi, năm 35 tuổi bà phải một nách nuôi 5 người con vì chồng bà đột ngột qua đời Với nghề làm bánh tráng từ thời con gái, lấy chồng sinh 5 đứa con bà vẫn giữ nghề truyền thống. Nhờ chăm chỉ, siêng năng nên nghề làm bánh tráng của bà cũng đảm bảo cho cuộc sống của 6 mẹ con.

Bà Đây cho biết, những ngày cận Tết, gia đình bà tất bật hơn vì cũng cố gắng làm được nhiều sản phẩm để bán trong dịp Tết. Để cho ra một thiên bánh tráng, khoảng hơn 1.400 chiếc bánh, bà Đây phải thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ, bắt đầu khoảng 5 giờ sáng là tráng bánh đến khoảng 3 giờ chiều.

Việc tráng bánh bây giờ cũng khỏe hơn thời trẻ của bà là nhờ có lò sấy, máy xay bột nên bà cũng không lo thời tiết mưa gió thất thường hoặc mất thời gian phải đi xay bột ở xa. Những ngày gần Tết, trung bình mỗi ngày gia đình bà tráng 30 kg gạo, sau khi trừ chi phí mỗi tháng gia đình bà thu lãi trên 15 triệu đồng.

Bánh tráng Tịnh Hà được tiêu thụ ở khắp nơi, bà con đi làm ăn xa có dịp về quê, khi ra đi đều mang theo những chiếc bánh thơm ngon làm quà. Nhất là vào dịp Tết, bánh tráng Tịnh Hà luôn được tiêu thụ mạnh, bánh làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Đình - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết: Những ngày gần Tết Nguyên đán, làng nghề bánh tráng ở xã càng trở nên sôi động và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nghề làm bánh tráng ở xã có từ rất lâu, hiện toàn xã có trên 100 hộ làm nghề tráng bánh. Nhiều nhất là ở thôn Lâm Lộc Nam, với khoảng trên 60 hộ. Nơi đây bà con giữ nghề truyền thống như một nét đẹp văn hóa của làng quê ven sông Trà. Nghề bánh tráng theo thời gian cũng phát triển mạnh mẽ hơn từ kỹ thuật đến hình thức. Bà con giờ cũng có nhiều kinh nghiệm trong các khâu sản xuất bánh như mua sắm máy xay bột, trang bị lò sấy, quy trình phơi bánh để bánh đẹp, nguyên vẹn, nhờ đó mà sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và được thị trường ưa chuộng. Thu nhập từ nghề làm bánh tráng đã giúp cho bà con ở đây có được cuộc sống no đủ. Cùng với một số sản phẩm khác, bánh tráng được xã chọn là sản phẩm đặc thù để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở địa phương.

Thu Phượng - Kim Cúc

Đài Truyền thanh Sơn Tinh, Quảng Ngãi