Đầu tháng 6/2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chuyến tham quan mô hình trồng nấm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nhằm khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình, từ đó định hướng, tham mưu xây dựng kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình trồng nấm của Hợp tác xã nấm Linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana đã được triển khai 20 năm và mang lại hiệu quả thiết thực. Thay vì đốt rơm sau thu hoạch – một hoạt động gây phát thải CO₂, CH₄ và bụi mịn, gây ô nhiễm môi trường – người dân đã sử dụng rơm làm giá thể trồng nấm. Với diện tích nhà trồng nấm 30 - 32 m2, mỗi đợt trồng nấm rơm kéo dài khoảng 25 - 28 ngày có thể thu hoạch hàng trăm ki-lo-gram nấm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Kỹ thuật trồng nấm lại đơn giản, dễ học, phù hợp với nhiều đối tượng như lao động nông thôn, phụ nữ và người lớn tuổi. Việc này không chỉ giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Huỳnh Đức Cường, tổ hợp tác sản xuất nấm Thanh Nhớ tại xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết: Gia đình ông đã xây dựng 12 nhà trồng nấm rơm, mỗi nhà có diện tích 32 m2. Sau khi trừ các chi phí, mỗi nhà nấm mang lại lợi nhuận khoảng 4–4,5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập trung bình mỗi tháng của gia đình đạt 48–54 triệu đồng. Sản phẩm được tiêu thụ tại Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Do thị trường tiêu thụ rất mạnh, hiện sản lượng nấm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Gia đình ông dự định sẽ mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng đang triển khai mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời, chủ yếu sản xuất các loại nấm ăn như nấm sò, nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ... với sản lượng khoảng 30–50 tấn nấm tươi và 5–10 tấn nấm khô mỗi năm (từ 80.000–100.000 phôi giống). Ngoài ra, công ty còn trồng các loại nấm dược liệu như linh chi, vân chi, đầu khỉ với sản lượng 2–5 tấn nấm khô/năm (từ 100.000–200.000 phôi). Doanh thu ước đạt từ 3–5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 công nhân tại địa phương, với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Mô hình này mang lại “lợi ích kép”: có nguồn thu từ điện năng lượng mặt trời, đồng thời chủ động điện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm của công ty đã đạt chứng nhận ISO 22.000, VietGAP và sản phẩm nấm linh chi được xếp hạng OCOP 4 sao.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng tuần hoàn, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình trồng nấm từ phế phụ phẩm nông nghiệp cần được ưu tiên phát triển. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và đơn vị chuyên môn để hỗ trợ kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó từng bước nhân rộng mô hình trồng nấm ra toàn tỉnh.
Nguyễn Chung
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk